Bà không tưởng tượng nổi, có một ngày, một nhà bác học lại tham
khảo thư mục mà bà biên soạn vào thời kì bà làm việc ở thư viện khi mang
thai bảy năm trước đây. Ý nghĩ về công trình của bà từ lâu đã vượt biên
giới trước cả bản thân đã sưởi ấm lòng bà. Tiệm cà phê của trường đại học
vào giờ ăn trưa giống như những bức tĩnh vật xứ Flandre mà bà đã chiêm
ngưỡng ở Bảo tàng Louvre. Thức ăn trong đó nhiều và đa dạng hơn những
hiệu ăn tốt nhất của Bucarest, và người ta có thể ăn thỏa thích. Những cô
phục vụ đều trẻ và xinh đẹp với khuôn mặt thon rất Pháp và mũ trắng nhỏ,
mặc những cái váy ngắn đến mức người ta nhìn thấy quần lót ngay khi họ
cúi xuống. Trái với những bạn đồng hành, Elena không cho đầy hoa quả và
bánh mì vào túi xách để ăn thay bữa tối. Chả hay ho gì cả. Dù sao, bà cũng
đã ăn đầy đủ trong bữa trưa rồi đợi đến sáng hôm sau để ăn xúc xích và
uống Nescafé ấm. Trong bữa ăn, bà cố gắng tranh luận bằng tiếng Pháp với
các đồng nghiệp phương Tây và trả lời những câu hỏi của họ về Rumani.
Vốn từ ngữ nghèo nàn và sự để ý của những nữ gián điệp đã hạn chế cuộc
chuyện trò của bà, nhưng không phải chỉ có thế. Làm sao bà có thể giải
thích thực tế đất nước cho những người coi Ceausescu là một anh hùng vì
đã giữ lập trường độc lập và can đảm trong cuộc khủng hoảng Tiệp Khắc
vào tháng Tám?
Cuộc sống thực sự bắt đầu khi bà trở lại Paris tầm ba giờ. Các bà kia
đã không muốn đi theo bà nữa. Bà khám phá mọi thứ, từ đại lộ Champs-
Élysées nơi một một cốc giải khát Orangina uống ở bên hè một tiệm cà phê
giá hai francs rưỡi, tới quảng trường Tertre nơi bà đã rất khó khăn để từ
chối một nghệ sĩ cứ một mực đòi vẽ bà không lấy tiền. Trên những đại lộ
lớn, các tủ kính làm lóa mắt bà, chúng trông cứ như những bức họa. Thậm
chí bà còn đi tàu đến tận Versailles vào một buổi chiều. Và rồi biết bao bảo
tàng, biết bao nhà thờ trong mỗi khu phố. Biết bao công viên, hiệu ăn, cửa
hàng bánh, cửa hàng thịt với những tấn thịt đỏ và tươi, cửa hàng thực
phẩm, ở đó bà chỉ muốn nếm thử từng món sa lát, từng món terin và nhất là
những ổ bánh nữ hoàng thơm nức mà ở Bucarest người ta gọi là vol-au-
vent, cơ man là hiệu sách đầy sách, những tiệm cà phê mà ở ngoài thềm