Hai cha con chờ đến hôm sau thì thấy có hai người từ trên trời
xuống. Họ mang theo các thứ dây túi để đưa hai cha con lên trời.
Họ dặn phải nhắm mắt lại và giữ im lặng. Đến giữa canh khuya,
cả bọn bước vào cõi trời. Nàng tiên ra đón, mừng mừng tủi tủi.
Hai cha con ở lại hai ngày. Lệnh của Ngọc Hoàng không cho
người trần ở lại. Nàng tiên thương chồng thương con vô hạn
nhưng cũng đành phải chia tay.
Hôm sau, nàng tiên gạt nước mắt trao cho hai cha con một cái
trống, một mo cơm. Nàng dặn: “Hễ chân chạm đất thì cứ đánh ba
tiếng trống để trên này biết mà cắt dây thừng”.
Hai cha con xuống được nửa đường thì đã quá trưa. Thấy
thằng bé đói, chàng trai dừng lại giở mo cơm đặt lên mặt trống.
Đứa con bốc cơm ăn làm vãi cơm trên mặt trống. Bấy giờ có một
đàn quạ bay qua bèn sà xuống mổ lấy mổ để những hạt cơm rơi
trên mặt trống. Trên trời, nghe thấy tiếng trống, nàng tiên lại
tưởng hai cha con đã xuống đến nơi, bèn cứ thế cắt dây thừng.
Dây đứt, hai cha con rơi xuống đất chết tươi. Đàn quạ sợ hãi bay
vọt lên trời kêu la ầm ĩ.
Sự việc không ngờ xảy ra đớn đau như vậy.
Sau này, Ngọc Hoàng cho đón chàng trai lên trời. Chàng trai
được làm công việc chăn trâu, gọi là Ngưu Lang, hay Ngâu Lang.
Nàng tiên gọi là Chức Nữ. Mỗi năm, Ngọc Hoàng cho hai người gặp
nhau một ngày vào ngày mồng Bảy tháng Bảy. Đàn quạ có lỗi hôm
ấy phải bắc cầu cho hai người gặp gỡ, gọi là chiếc cầu Ô thước.
Từ đấy, cứ đến ngày mồng Bảy tháng Bảy, trời thường có
mưa, người ta gọi là mưa Ngâu. Đồn rằng đó là những giọt nước
mắt của hai người. Họ gặp nhau rồi lại ly biệt chờ đến năm sau.