TƯỚNG VỀ HƯU - Trang 169

con người xã hội hơn con người tự nhiên. Người ta đã “lịch sự” đã
“chính trị”, đã đạo đức giả, đã cố ý lờ đi cái ấy: con người tự nhiên,
kẻ thành thật nhất, trung hậu nhất, ngang bướng và ương ngạnh.
Vũ trân trọng gọi con người tự nhiên ấy là “ông lớn”. “Ông lớn” còn
có ông nhỏ gọi là “ông b...”. Hãy lắng nghe ông ta! Đấy là bậc thầy
của trực giác. Ông ta có luật chơi riêng chi phối tính cách con người,
thậm chí số phận con người. Ông ta mới là trung tâm thần kinh,
mới là trí tuệ. Hoàn toàn không phải đầu óc mà là đầu b... Người ta
đã tôn vinh một vị ngụy quân tử đẹp mã mà quên đi vị quân tử thực:
bái vật tổ đại phu, nhà chiến lược...

Xe điện đi từ Cầu Mới, qua ấp Thái Hà, đỗ ở Giám (Quốc Tử

Giám) hơi lâu để tránh tầu đi Cầu Giấy. Vũ tì tay lên thành cửa sổ.
Hà Nội lướt qua dưới mắt chàng. Chàng sợ thành phố này rồi sẽ
mất đi những kỷ niệm, sẽ mất đi những vẻ đẹp nên thơ êm đềm
của nó. Có thể cả tuyến xe điện này cũng sẽ mất đi. Cũng không hề
gì... Bởi cuộc sống vốn là như thế. Kìa nước chảy dưới cầu. Kìa
sông trôi ra biển. Bao nhiêu giá trị đều là vô nghĩa. Ôi ôi, sao chàng
lại đi nghĩ ngợi như một người bạc nhược, sớm chán nản mọi sự thế
này? Mà em... Bao nhiêu kỷ niệm trong đời...

Nỗi chán chường âm ỉ... Sự bất lực đương nhiên... Những cái ấy

tấn công chàng, từng tí một, từng ngày một, dai dẳng. Chúng ta đang
suy đồi. Vũ bực mình vì chàng chỉ có một cuộc sống mà xung
quanh chàng toàn người ích kỷ lăm le muốn ăn thịt chàng, muốn
chia máu, chia thịt của chàng. Chàng không thể chia máu chia thịt
của chàng cho ai, có muốn cũng không làm được. Chàng cũng ích kỷ.
Chàng cũng chỉ có một cuộc sống thôi, một dấu vết thôi. Chàng
tìm cách nhân nó lên nhiều lần. Đấy là văn học. Một phép nhân ảo
thuật. Văn học cũng là sự cùng quẫn, cũng đầy dối dá và ngụy tạo.
Tóm lại, văn học cũng chẳng ra gì.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.