Vũ phì cười. Giống như một công án Thiền tông. Chàng nhớ có
nhà văn từng nói rằng tâm hồn không thể sống thiếu những trò
phù phiếm và trò chơi vui, tâm hồn giống như con thú, nó lúc nào
cũng đói, khi thiếu thức ăn là nó xé xác các tâm hồn khác, cuối
cùng thì nó tự xé xác mình.
Vũ diễn đạt điều đó cho hai người đàn bà nhưng họ không hiểu.
Vũ bực mình vì trong tiếng Việt không có cách chi, không có từ ngữ
nào có thể biểu đạt được trạng thái và ý nghĩa của thứ mà Vũ gọi là
“tâm hồn” Lần đầu tiên, Vũ nhận ra tiếng Việt có phần nghèo
nàn khi biểu lộ những nội dung, khái niệm trừu tượng.
- Tâm hồn là một trạng thái khởi động hoặc ngơi nghỉ - Vũ lúng
túng giải thích và chàng cũng không tin lắm với lối giải thích của
chàng. Như ở phương Tây, trên đường giao thông có những đèn báo
hiệu chỉ đường... Đèn xanh, đèn đỏ ứng với sự thuận nghịch. ở đấy
không có tâm hồn vì nó đương nhiên là thế, nó là sự khẳng định đã
rồi. Trạng thái trung gian của đèn vàng mới đáng kể: nó mờ ám, vừa
khẩn trương, lại vừa quyết liệt. Hoặc là thế nọ hoặc là thế kia, ở
đây sẽ có trạng thái mà ta gọi là “tâm hồn”... nó lựa chọn, khởi động
và ngơi nghỉ... và theo tôi, bao giờ nó cũng lựa chọn sự bảo thủ, vì con
người vốn bảo thủ... con người nào có tâm hồn đều rất yếu và
bảo thủ... Họ luôn hoài nghi, ngờ vực lòng mình.
Vũ thở dài. Chàng có vẻ loanh quanh và thiếu lương thiện.
- Thưa ông, chúng tôi chẳng hiểu ra sao nữa cả... có thể ông muốn
nói đến sự ân ái hay ngoại tình chăng? Ông có bị sốt hay không?
Ông có bị mê sảng hay không? Sao mặt ông tái đi như thế? Ông cho
phép tôi xem nhiệt độ ở trán ông thế nào?
Vũ phì cười. Chàng cũng không hiểu tại sao người ta lại đi liên
tưởng đến trò ân ái hoặc vụng trộm. Chẳng lẽ sự đời oái oăm đến