Bố tôi dạy học trong xóm, học trò bữa đực, bữa cái. Ông cũng
chẳng có vẻ gì là một giáo viên giỏi. Ông vừa đọc chính tả vừa ho sù
sù: “Trong đầm a... gì đẹp a... bằng sen a...” Lũ học trò vẫn gọi ông
là con Quạ. Ông có một tay thước dài một mét bằng gỗ gụ, lúc nào
cùng lăm lăm trong tay. Vô phúc đứa nào nghịch ngợm mà bị ông gõ
thước lên đầu thì nhớ đến già.
Nhà tôi luôn luôn thiếu tiền. Tôi nhớ có lần nhà nước đổi tiền,
nhà tôi chỉ có đâu mỗi đồng bạc, tương đương với một nghìn đồng
bây giờ. Khi đổi tiền, lại phải xuống tận huyện tức là phải đi hơn
năm cây số chứ có ít đâu! Nói thật với ông, với số tiền ấy bây giờ
thì tôi vứt mẹ nó đi, đổi với chác quái gì! Nói thế không phải vì bây
giờ tôi khinh tiền (nói dại, ai mà khinh tiền được) nhưng một nghìn
thì ông bảo mua được cái quái gì đây? ấy thế mà bấy giờ mẹ tôi
cũng lặn lội đi đổi bằng được đồng tiền còm cõi ấy. Mang đồng
tiền mới về, cả nhà chúng tôi chuyền tay nhau xem, ai cũng trầm
trồ khen ngợi đồng tiền vẽ khéo mà tinh vi quá... Chú Hoạt nhận
xét hình người trên đồng tiền trông hơi béo tốt khác thường thì bị
mẹ tôi giật phắt lấy, lườm cho một cái hết hồn khiến chú nín
bặt.
Trong nhà tôi, vì là người cầm chịch chi tiêu nên mẹ tôi luôn đau
khổ cau có vì thiếu tiền. Mẹ tôi luôn luôn ca thán, rồi trách Trời,
trách số phận hẩm hiu, trách bố tôi bất tài, mẹ tôi coi chú Hoạt và
mấy chị em chúng tôi là những “cái tàu há mõm”. Mẹ tôi chắc hẳn
chẳng biết “cái tàu há mõm” là cái tàu gì, nhưng nghe người ta nói
vậy thì bà nói thế, chắc mẹ tôi hình dung “há mõm” nghĩa là phải
ăn uống nhiều kinh khủng! Bố tôi khi nghe mẹ tôi ca thán thì rất
đau lòng. Ông ngồi im lặng một chỗ thở dài, loay hoay với cái ống
điếu thuốc lào trong tay. “Tọa thực sơn băng, tọa thực sơn băng...
ngồi ăn thì núi cũng lơ”. Ông cứ thế nhắc đi nhắc lại. Tôi thấy
ông bất lực, hoàn toàn bất lực. A! Nếu như bây giờ nhà tôi đào