dạng với bọn lưu manh đi theo nghề này. Cũng có nổi lên dăm ba
khuôn mặt trí thức đại gia có tư tưởng nhưng đấy đều là những nhà
cách mạng xã hội còn thì toàn vứt đi cả. ở thời nay, nhiều người vẫn
coi văn chương như một phương tiện, như cái cần câu để mà câu
danh kiếm lợi. ừ thì danh lợi cũng hay, cũng cần nhưng phải là thứ
danh lợi thế nào mới đáng. Nhưng thôi, tôi cũng không bàn chuyện
ấy nữa. Đây là tôi đang nói đến chú Hoạt với những bài thơ phân
gio và sâu bọ của chú ấy cơ. Bố tôi đã nhầm vì ông chẳng hiểu
biết gì về văn chương cả, xin ông đừng cười, văn chương là thứ
chẳng ai hiểu gì có phải không nào? Nói như Homère: “Chắc chắn
có một Thượng đế ở đó”.
Cứ thế thỉnh thoảng, độ dăm ba tháng, bố tôi lại lục đâu ra được
một bài thơ, bài vè gì đó của chú Hoạt ở trên một tờ báo lẻ. Bố tôi
theo dõi rất kỹ các báo. Tiền mua báo ở nhà tôi cũng thành một
khoản chi tiêu kha khá nhưng được cái ông anh rể cóc vàng của tôi
bao tất. Anh Phục bảo tôi: “Cứ để ông cụ ham chuyện ấy vì nó vô
bổ, chứ nếu ông già lại ham chuyện khác thì chết con cháu chúng
mình”. Tôi không thích lắm cách nghĩ của ông anh rể thực dụng
nhưng vì anh lớn xuýt soát bằng tuổi bố tôi mà lại cũng hay cho tôi
tiền nữa nên tôi cũng nể.
Dần dần, không hiểu tại sao bố tôi dứt khoát tin rằng chú
Hoạt là người thành đạt lắm ở trong xã hội, còn mẹ tôi thì chắc
mẩm chú Hoạt nay đã rất giàu. Bố mẹ tôi suốt ngày nhắc đến
chú Hoạt. Mẹ tôi nói với bố tôi: “Này ông! Hay là ông đi Hà Nội một
chuyến thăm chú ấy xem! Vợ chồng mình có lỗi đối với chú ấy.
Bây giờ chú ấy là người đã có tên tuổi địa vị hẳn hoi. Thật tình tôi áy
náy quá! Mà còn cả tương lai thằng Vương nhà mình, biết đâu chú
ấy chỉ nói một tiếng là nó nên người? Chú ấy thiếu gì những nơi
nhờ vả... Thế chẳng nhẽ cứ để thằng Vương ăn chơi lêu lổng như
thế này sao?”. Bố tôi gật đầu: “Bà nói cũng phải... Tôi phải xin lỗi