Hai bố con tôi đi quanh hồ Gươm ba vòng chăm chú nhìn từng
người một khiến cho mấy nhân viên bảo vệ ở đây tỏ ý nghi ngờ, họ
gọi bố con tôi lại để hỏi giấy tờ tùy thân. Bố tôi phân bua về việc
đi tìm chú Hoạt. Họ nói: “Nếu như người nhà của bác vẫn thường
xuyên uống bia ở xung quanh đây thì phải hỏi bọn du thủ du thực với
đánh giày bán báo thì mới biết được”. Anh đội trưởng bảo vệ đeo
băng đỏ chặn một người đeo kính, mặc áo ca-rô đi ngang qua hỏi:
“Này Sói, mày có biết một người tên là Hoạt thọt chân vẫn hay uống
bia tầm giờ chiều ở quanh đây không?”. Người kia giật nảy mình,
cúi đầu chào, sợ hãi nói: “Dạ thưa, tên ấy đã đi khỏi đây chừng một
tháng rồi, bị vỡ vòm, nghe nói dạt xuống Nam Định”. Anh đội
trưởng bảo vệ bật tay cho người kia đi chỗ khác rồi bảo bố tôi:
“Người nhà của bác không còn ở đây nữa đâu. Chắc nó sợ công an
nên bỏ chạy xuống Nam Định cả tháng nay rồi”. Bố tôi trợn tròn
mắt, rất hoang mang, ông nói với anh đội trưởng bảo vệ: “Chắc các
anh nhầm! Chú em tôi là người đàng hoàng mà hiền lành lắm cơ
mà. Chú ấy lại còn viết văn, viết báo hẳn hoi”. Anh đội trưởng bảo
vệ mỉm cười: “Thế mới chết! ở Hà Nội cái gì cũng có thể cả! Thằng
Sói nó đã nói là không hề sai bao giờ! Thôi bác nên đi về nhà mà
nghỉ!”.
Chúng tôi chào mấy người bảo vệ rồi đi chỗ khác. Loanh quanh
một lúc, hai bố con tôi suýt bị lạc đường. Bỗng có một đoàn xe loang
loáng chạy qua, bố tôi reo lên khi thấy một người ngồi trên ô-tô
thò đầu ra ngoài vẫy tay. Bố tôi bảo: “Chú Hoạt! Đúng là chú Hoạt
kia rồi!” Tôi cũng cảm thấy người trên xe ô-tô đúng là chú Hoạt,
hình như trông chú cũng không khác lắm so với khi còn hàn vi. Bố
tôi cứ đứng nhìn theo và ngơ ngẩn mãi.
Cuối giờ chiều, bố con tôi rẽ vào một ngôi chùa nhỏ. Lúc ấy
đang có một hòa thượng ngồi thuyết pháp, có khoảng hơn ba, bốn
chục người nghe, thấy có cả một số sinh viên cầm bút ghi chép, có