không ai biết về ông Cả Giao. Ông Hân đi sang Cát Hải, người ta
cũng nói đến một ông Cả Giao nào đó chuyên cất mắm cốt nhưng
nửa năm nay bặt không thấy đến.
Hai ông bà già bàn định, bán tín bán nghi. Ông Hân tính đi Móng
Cái nhưng không đủ tiền, đủ sức.
Rồi một năm nữa trôi qua, cũng không có tin tức gì của Nhi. Ông
Hân, bà Hân già sọm hẳn đi, mọi việc trong nhà bỏ hết. Cuối năm
đó, con chó mực bỗng lăn ra chết ở trước hiên nhà. Tết năm đó là
một cái tết hiu quạnh buồn thiu ở trong ngôi nhà trống vắng, nơi
mà ngày xưa dù có nghèo túng đến mấy nhưng không hề dứt
tiếng cười.
Bà Hân mắt đã mờ đi vì khóc. Ông Hân trở nên lẫn lộn, cứ hay ra
ngồi bên sông một mình, lúc nhớ lúc quên.
Sang năm Dậu, nạn dịch tả tràn lan khắp nơi, có nhiều người
chết. Nạn dịch lan đến làng Cổ Am, lan sang làng Hạ. Ông bà Hân
cũng chết về dịch tả, ông đi trước, bà đi sau, chỉ trong một ngày.
Khi còn sống, bà Hân vẫn hay đùa chồng:
- Thế nào lão cũng chết trước cho xem! Số lão vẫn sướng, chẳng
là vẫn quen có người hầu hạ ngồi mát ăn bát vàng. Chỉ có tôi đây là
khổ! Giời không có mắt, những người gàn dở thì giời lại cứ bênh vực
là nghĩa lý gì?
Những khi ấy, ông Hân chỉ cười tủm tỉm. Chắc là ông nghĩ:
- Cái con mẹ này quái ác! Đã chết thì sướng nỗi gì mà còn phân
biệt trước sau. Đã gàn dở lại mắng người ta gàn dở!
VI