Tôi sẽ là một người kể chuyện nhẫn tâm nếu tôi không thêm vào
một cái kết ra trò cho câu chuyện ấy. “Đa tình kiếm khách, vô tình
kiếm”. Nhiều khi ngòi bút vẫn cứ lạnh lùng không theo ý của chủ
nhân, dẫu rằng thực ra có hậu hay không có hậu với một kiếm
khách hay một văn nhân đôi khi cũng không có ý nghĩa gì quan trọng.
Khi lưỡi kiếm đã vung lên rồi cũng như khi ngòi bút đã vung lên thì
ai đó trách rằng vô tình cũng đành chịu vậy. Nhưng mà thôi, đây là
một câu chuyện giản dị và tôi cũng muốn có một nụ cười giản dị để
dành cho bạn khi kết thúc câu chuyện này.
Khoảng 10 năm sau, sau khi hai ông bà Hân chết thì một hôm có
một chiếc thuyền buồm nâu ghé vào bến sông giữa làng Cổ Am
và làng Hạ. Hôm ấy đang có hội làng. Người ta rước kiệu từ đình
làng Cổ Am xuống làng Hạ rồi lại quay về. Khách thập phương kéo
đến xem hội đông như kiến cỏ.
Lúc đầu, cũng không có ai chú ý đến người thiếu phụ với sáu
đứa con bụ bẫm vừa trai vừa gái ở trên thuyền vừa bước lên bờ. Hai
cô hầu gái loay hoay với lũ trẻ con nghịch như quỷ sứ. Thiếu phụ
bồn chồn, chân như ríu lại. Thiếu phụ hỏi thăm mấy người đi hội:
- Thưa các bác, ở đây có ai người làng Hạ không? Có ai biết nhà
ông bà Hân không?
- Có tôi đây! – Một bà cụ già đang ngồi bán củ ấu cho bọn trẻ
con vồn vã - Ai hỏi ông bà Hân đấy? Có đúng bà Hân tính hay đùa
nhả nhà gần cây gạo phải không?
Thiếu phụ reo lên mừng rỡ:
- Phải! Cụ ơi, cụ biết ông bà Hân chứ? Cháu là Nhi đây, cháu là
con gái ông bà Hân đây?