QUAN ÂM CHỈ LỘ
Ngôi trường vùng cao ở lưng chừng đồi, đơn sơ một ngôi nhà
gianh vách đất, một nửa là lớp học, một nửa là chỗ ở của hai cô giáo
Thu và Kiểm. Lớp học thường xuyên xê dịch có từ bảy đến hai mươi
học sinh của năm dân tộc là Mông, Thái, Nhắng, Dao và Lô Lô.
Hai cô giáo Thu và Kiểm đều quê ở Tiền Hải Thái Bình, bố mẹ
là dân chài vùng biển. Hai cô học hết cấp hai phổ thông trung học
thì đi học một lớp sư phạm nâng cao hai năm. Tốt nghiệp ra trường,
Đoàn thanh niên có phong trào “thắp lửa ánh sáng vùng cao”, họ ghi
tên tham gia và mười ngày sau họ có mặt ở ngôi trường này.
Ai lên Sa Pa, nếu đến nơi xa nhất thì phải đến bản Suối
Thầu. Từ chợ Sa Pa đến đây tròn 70 cây số. Người Mông, người
Dao giỏi đi bộ thì mỗi ngày đi được 20 cây. Thu và Kiểm vẫn thường
xuyên đi lại trên tuyến đường này. Ngôi trường của họ ở nơi hẻo lánh
nhất của vùng đất du lịch không thể nói là không phù hoa đó. Ôi Sa
Pa, Sa Pa... Mảnh đất tình yêu! Mảnh đất giữ người!
Tết năm ngoái, tôi có dịp lên Sa Pa theo lời mời của gia đình một
người bạn. Anh Lai, Vụ trưởng một Vụ, chuẩn bị đi làm đại sứ một
nước ở châu Âu, quyết định không ăn Tết ở Thủ đô mà đưa cả nhà
đi du lịch. Họ sẽ ăn Tết ở Sa Pa. Tôi được mời đi theo “tháp tùng”.
Mấy năm gần đây, hội “tay to” ở Hà Nội có “mốt” không ăn Tết ở
nhà mà đóng cửa đi dã ngoại để đổi không khí, cũng tránh cả việc
người ta đến lễ lạt nhờ vả nhiêu khê... Tiền nhiều chẳng làm gì.
Chất lượng cuộc sống trên hết. Sống vẻ vang, chết nhẹ nhàng...
Những triết lý như thế gần đây tôi được nghe nhiều ở các quan
chức và giới doanh nhân thành đạt. Cũng là một “mốt”...