Tôi hỏi:
- Ông biết cô ấy trong trường hợp nào?
Ông ta bảo:
- Cũng giống như ông. Tôi đi du lịch, đúng hơn là tôi đi tìm cái
chết. Hồi ấy tôi làm ăn thất bại, gia đình tan nát, tôi rất chán
đời. Tôi lên Sa Pa, định trèo lên đỉnh Phan-Xi-Păng tự vẫn. Nhảy vèo
xuống núi một cái là xong. Tôi gặp Kiểm, Kiểm mang tình yêu đến
cho tôi. Kiểm đúng là Quan Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn “save from
misfortune and danger”. Tôi biết ơn cô ấy. Tết nào cô ấy cũng
đợi tôi.
Tôi bảo:
- Ông có vẻ như một người hạnh phúc.
Ông ta bảo:
- Cám ơn ông. Cũng còn tuỳ thuộc cách nhìn. Từ khi biết Kiểm,
tôi sống tốt hơn lên. Tôi yêu mến tất cả mọi người, tôi làm nhiều
việc có ích cho đời. Là nhà văn, ông nên viết về tình yêu của người
phụ nữ. Họ yêu thương đàn ông chúng ta, làm cho thế giới này tốt
đẹp lên nhiều.
Tôi hỏi về công việc của ông ta. Ông ta nói:
- Tôi là thương nhân. Tôi buôn bán ở Hồng Kông, ở Mỹ. Có lần
tôi sang cả Thuỵ Điển. Kiểm như một vị Bồ tát chỉ đường. Tôi buôn
bán không phải vì tiền mà vì điều thiện, vì quan hệ với con người.
Tôi chăm chú nhìn Công, thấy ông ta là người thành thực. Tôi
rất ngạc nhiên, ngẫm nghĩ mãi về hình ảnh cô Đun-xi-nê bé nhỏ,
dạy học ở một nơi khỉ ho cò gáy, lại là nguồn cảm hứng cho gã Đôn