- Chim hồng là chim hồng, chim hạc là chim hạc. Chim hồng,
“hồng hộc” là con chim lớn, bay cao và xa. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm
có câu: “Say hết tấc lòng hồng hộc”. Chim hồng hộc cũng như
chim bằng. Có điển tích “côn bằng”. Sách Trang Tử kể rằng ở biển
Bắc có loài cá, gọi là côn, cá côn. Cá côn lớn hàng vạn dặm, cá côn
hóa thành chim, gọi là bằng, lưng của chim bằng lớn không biết
mấy ngàn dặm, khi giận dữ mà bay lên thì cánh chim tựa như đám
mây đen che rợp cả trời. Chim hồng hộc là con vật truyền thuyết
dùng để ví với chí nam nhi, tài bay nhảy. Sách Sử ký có câu: “Yến
tước an tri hồng hộc chí” nghĩa là “chim én, chim sẻ sao biết chí lớn
của chim hồng, chim hộc”.
Giáo sư nói tiếp:
- Chim hạc cũng là thứ chim quý. Chim hạc tượng trưng cho chí
thanh cao. Chim hạc có tiếng sống lâu nên nói “tuổi hạc” nghĩa là
tuổi thọ. Sách Phạm Tải – Ngọc Hoa có câu: “Mẹ cha tuổi hạc cao
vời”. Chim hạc được khắc tượng thờ ở các đình miếu. Thời Xuân
Thu Trung Hoa có ông vua mê hạc đi phong quan tước, bổng lộc cho
hạc đến nỗi mất nước.
Giáo sư mỉm cười:
- Anh là nhà thơ, anh có biết những chuyện ấy không?
Anh bảo:
- Nhà thơ không nghiên cứu… Họ bay lên… Như chim.
Giáo sư bảo:
- Đấy là hạng bét. Nguyễn Du chẳng bay gì cả, ông ta rất cồng
kềnh. Ông ta kể chuyện, bảo cách người ta xem bói, làm quan, đi sứ,