lưng con ngựa. Tôi chỉ thoáng thấy anh ta để tóc dài, mặc bộ quần
áo chàm xanh. Cô gái Thái nhảy lên theo và họ lập tức phi ngựa băng
qua các mẹt hàng, sạp hàng chạy về phía đường rừng Tạ Bú, tả ngạn
sông Đà.
Tôi bị bắt giam vào đồn cảnh sát. Người ta coi tôi là can phạm
trong vụ cướp tù, cuối cùng không đủ chứng cớ quy tội nên chuyển
tôi làm nhân chứng. Tôi phải ký tên vào một tờ khai chữ nghĩa hết
sức rắc rối mập mờ. Tôi được biết người tù kia là một tên thổ phỉ,
một kẻ sống ngoài vòng cương tỏa xã hội. Hắn tên là Bạc Kỳ Sinh.
**
*
Trường học miền núi nơi tôi ở nằm trên một quả đồi trọc gọi là
đồi Thông mặc dầu trên ấy chẳng có một ngọn thông nào. Trên
một vạt đất bằng phẳng người ta dựng lên ba dãy lớp học làm bằng
gianh tre nứa lá có phần nào giống một trại nuôi bò. Khu nhà giáo
viên gần kề ngay đó lợp ngói, vách trát “toocsi” nhưng khi mưa
xuống dột còn nhiều hơn cả mái nhà lợp gianh. Vốn thích độc lập,
tôi tự mình dựng một ngôi nhà nhỏ cách biệt hẳn ra, có hàng rào bao
quanh cẩn thận. ở riêng một chỗ, tôi có cái thú của kẻ tự do, nghĩa là
tha hồ buông xuôi ở trong cảm giác cô đơn mà không để người khác
nhòm thấy, không làm lụy ai cả. ở ta, tự cô đơn là cách rẻ rúng
nhất, vô hại nhất để tạo ra ảo giác về tự do, một điều xét cho cùng
cũng chẳng ra gì nhưng thiết yếu để rèn luyện nhân cách cho tuổi
trẻ vốn lắm mê say và dễ sa ngã.
Mùa hè năm ấy, tôi phải ở lại trông nom, bảo vệ trường học. Mưa
lũ kéo dài từ đầu tháng bảy đến giữa tháng chín khiến nơi tôi ở
không khác gì một ốc đảo. Số gạo dự trữ sắp hết. Tôi rất buồn
rầu và thương thân mình. Tôi có thể ốm rồi chết ở nơi khỉ ho cò