- Thế là họ cứ ùa vào, không chịu ra nữa. Tiểu nhân sợ họ đụng đến hành lý
của ông anh, nên đã mang cất vào một chỗ cẩn thận phía đằng sau. Thôi thì
ông anh ở đây đã lâu, cũng coi như người trong nhà. Còn đối với bọn khách
này, tiểu nhân phải lột được họ ít nhiều mình phải biết quyền biến, ông anh
đừng lấy làm lạ. Ông anh hãy rộng lòng tha lỗi cho tiểu nhân!
Đã mấy hôm nay Thúc Bảo không hề thấy Tiểu Nhị mặt mày rạng rỡ thế
này, lại vốn có tấm lòng khí khái của bậc hào kiệt, sẵn sàng bỏ qua những
tính toán nhỏ nhặt của kẻ tiểu nhân, nên vẫn ôn tồn nói với Tiểu Nhị:
- Bác chủ ơi! Hàng quán của bác là tùy bác sử dụng. Nhưng liệu có còn chỗ
nào cho ta có thể ở tạm chăng. Ta thì thế nào cũng được thôi!
Tiểu Nhị liền cầm đèn dẫn đường, Thúc Bảo đi theo, quanh co khuất khúc,
ra mãi tít sau nhà, Tiểu Nhị vừa đi vừa soi từng bước, rồi chỉ cho Thúc Bảo
một góc. Thúc Bảo nhìn kỹ, thì không phải buồng ngủ không phải nhà bếp,
mà là một gian nhỏ, một mái thấy trời, mái còn lại cũng dột nát, áp sát vào
hồi nhà bếp, chất đầy rơm rạ. Hành lý của Thúc Bảo đã thấy vứt lăn lóc
trong đó, nửa gian đầy củi, cỏ khô cho ngựa, bốn vách trống không, gió lùa
thông thông. Chỗ để cái đèn cũng không có, nên đành đặt dưới cái nền đất,
lại phải lấy mấy viên gạch vỡ che lại cho khỏi gió. Tiểu Nhị nói với Thúc
Bảo:
- Ông anh hãy tạm ở đây ít ngày. Chờ lúc nào bọn khách kia đi rồi, ông anh
lại trở về phòng cũ thôi mà.
Thúc Bảo cũng chằng buồn đáp, Tiểu Nhị quay mặt đi thẳng.
Thúc Bảo ngồi bệt xuống đống rơm. Đặt chiếc giản ngang đùi, lấy ngón tay
bật bật mấy sợi dây tua buộc ở đầu giản, hát:
Lạnh lùng quán trọ gió lùa mưa
Trời thử anh hùng thật đủ trò
Chí khí bình sinh lòng vốn hẹn,
Thở dài một tiếng tỉnh hay mơ?
Đang ngâm, Thúc Bảo nghe như có tiếng chân người mỗi bước mỗi gần, rồi
nghe có tiếng gõ khẽ vào khung cửa. Thúc Bảo vốn là kẻ hào kiệt, sẵn sàng
chịu đựng mọi chuyện khổ, nhưng đến lúc này không thể nhẫn nại được,
Thúc Bảo phải lên tiếng: