- Binh ít mà chống giặc thì giữ thành là điều rất cần. Nhưng Đồng Quan đã
mất, Trường An nguy lắm, lại gặp lúc thế giặc đang mạnh, càng ngày càng
tiến gần kinh sư, binh lính bên ngoài chưa thể gọi về ngay, chẳng khác gì
"Nước xa không cứu được lửa gần". Cứ như ngụ ý của thần, chi cho bằng
xa giá nên tạm lánh vào Tây Thục. Trước tiên là để cho mình rồng yên ổn,
không phải ngày đêm hoảng hốt vì gần giặc, sau đó là có thời giờ cho binh
tướng ở bên ngoài đến. Đó mới là kế vạn toàn vậy!
Huyền Tông nghe tâu, chưa kịp phán, thì đã thấy Quốc Trinh xuất ban tâu:
- Nghịch tặc càn rỡ, thế tuy ngang ngược nhưng sao có thể địch lại sức
mạnh của cả thiên triều. Nay bọn Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật, Nhan
Chân Khanh, Trương Tuần đều nhiều trận đánh thắng. Gần đây có tin báo
thái thú Đông Bình Ngô Vương Kỳ, dấy quân nhiều phen thắng lớn, giết rất
nhiều quân giặc. Lại nghe An Lộc Sơn mắng bè đảng Nghiêm Trang, Cao
Thượng rằng: "Các ngươi ngày trước khuyên ta phản lại triều đình là kế
vạn toàn, nay ta bao lần bị quan quân dồn ép, vậy thì kế vạn toàn ở đâu?"
Nghiêm Cao hai thằng tướng phản nghịch không biết đáp sao. Lộc Sơn
định giết, tả hữu khuyên mãi mới thôi. Khí thế đã suy, rõ ràng chẳng sớm
thì muộn sẽ tuyệt diệt. Nay binh tướng thua ở Đồng Quan, cũng bởi tại
nghe lời dị nghị mà thúc bách xuất sư, không phải toàn tội Thư Hãn. Nay
nếu quân các nơi kéo về, sẽ có ngày khôi phục được, sao lại chỉ vì một trận
thua, đã vội tính chuyện chạy dài. Xa giá đã đi khỏi, kinh sư ai giữ, sao
không tính kế an toàn cho xã tắc mà đã vội lo chuyện bỏ chạy vào Thục.
Cứ như ngụ ý thì quả là không nên vậy.
Huyền Tông truyền dụ, các quan hãy trình rõ ý mình, nhưng chẳng ai dám
tâu điều gì nữa, nhiều người thác rằng:
- Chúng thần xin nhường cho các quan ở Trung thư tỉnh bàn luận.
Huyền Tông buồn bực không vui, bãi chầu về cung.
Vì sao Dương Quốc Trung lại nghĩ tới việc chạy vào Tây Thục? Nguyên là
trước kia y đã từng làm Kiến Nam tiết độ sứ, Tây Thục do đó là đất quen
cũ, nghe tin An Lộc Sơn phản loạn, y đã sai bọn tâm phúc, ngầm sắp sẵn