nên, Huyền Tông nhường ngôi làm thái thượng hoàng. Nếu không công
nghiệp sẽ đi đến đâu, còn đó thế nguy kẻ nghịch tặc, còn đó tôn miếu xã tắc
trong tay phản thần, dẫu thân thiết cũng phải bỏ mà chạy, chỉ bảo toàn được
một hai kẻ thân người thích, còn đâu đành bỏ mặc, khiến cho bậc vương
tôn công tử gặp nước lưu ly, cành vàng lá ngọc rơi vào tay giặc làm nhục,
giết hại. Những việc cuối đời Thiên Bảo, nghĩ lại thật đáng giận mà cũng
đáng thương, đáng buộc tóc vào tay để mà nhớ mãi vậy.
***
Lại nhắc chuyện Huyền Tông ngự giá đến Mã Ngôi, chúng quân sĩ giết
Dương Quốc Trung cùng Hàn Quốc, Quắc Quốc phu nhân. Huyền Tông
không biết làm thế nào, đành để Quý Phi chịu chết. Trần Nguyên Lễ mới
khuyến khích được quân sĩ, mời xa giá lên đường. Quân sĩ thấy bộ tướng
tay chân Dương Quốc Trung đều ở Thục, lại không chịu đi về Tây, kẻ xin
về Hà Lũng, người bàn đi Thái Nguyên, cũng có ý xin quay về kinh đô,
mạnh ai nấy nói. Huyền Tông ý vẫn muốn vào Thục, nhưng lại sợ trái ý
quân sĩ, đành chỉ cúi đầu nghĩ ngợi, không nói rõ ý định đi đâu. Vi Ngạc
tâu:
- Thái Nguyên, Hà Lũng đều không phải là nơi dung thân của bậc thiên tử.
Nếu về kinh sư tất phải có cách phòng ngự chu đáo. Người ngựa nay rất ít,
không phải việc dễ. Cứ như ngu kiến của thần, chi bằng đi Phù Phong, rồi
sẽ liệu chuyện lui sau vậy.
Huyền Tông bằng lòng gật đầu, sai đem ý này của mình truyền dụ quân sĩ,
ai nấy đều nghe theo. Ngày hôm ấy người ngựa từ Mã Ngôi lên đường. Đến
mãi lúc đi, mới thấy rất nhiều dân chúng, già trẻ cản đường giữ lại, cảnh
thật nhốn nháo, người người đều thưa:
- Cung khuyết là nhà, là người thân của bệ hạ, là phần mộ của bệ hạ, nay bỏ
mà đi, định còn đến đâu nữa?
Huyền Tông đành ngọt ngào phủ dụ, nói rõ thánh ý rồi vẫn đi, nhưng trăm