chân sụt xuống sâu, chận chết vô số, lũ giặc kinh hoàng. Quan quân cứ
trống dong cờ mở mà xông hết ra khỏi thành, chém quân giặc kể có hàng
vạn. Tử Minh đành phải dẫn quân sĩ bỏ chạy.
Quang Bật dâng biểu báo tin thắng trận. Quảng Bình Vương thấy Thái
Nguyên vốn là yếu địa, nay bị vây hãm, định sai tướng đến giải vây nhân
nghe thắng trận mới thôi. Quách Tử Nghi thấy Hà Đông nằm giữa hai kinh,
chỉ cần lấy được Hà Đông thì có thể thu lại. Lúc này tướng giặc là Thôi
Càn Hựu đang đóng giữ Hà Đông. Tử Nghi mật sai người lẻn vào Hà
Đông, tìm đến các tướng sĩ quan lại nhà Đường bị giặc bắt theo, hẹn ước
làm nội ứng để trong ngoài cùng đánh. Thôi Càn Hựu vì vậy không chống
đỡ được, phải bỏ thành mà chạy. Tử Nghi dẫn quân đuổi theo, chém đầu rất
nhiều. Càn Hựu may mà chạy thoát, Hà Đông về với triều đình.
Chính là:
Tướng tài Quách Lý hai người
Tiên công phòng thủ trong ngoài thắng to.
Túc Tông liền lấy Tử Nghi làm Thiên hạ binh mã phó nguyên soái giao cho
lo khôi phục hai kinh. Bỗng nghe tin Vĩnh Vương Lý Lân ở Giang Lăng
tiếm nghịch xưng hoàng đế. Nguyên là Lý Lân đã ra trấn giữ Giang Lăng từ
trước, cậy mình giầu có, nhiều người ngựa, khí giới, kiêu ngạo không phục
ai, nghe tin Túc Tông lên ngôi ở Linh Vũ bèn cùng bộ tướng, liêu thuộc
bàn bạc, rằng thái tử có thể tự xưng ngôi báu, thì ta có cả một vùng Giang
Lăng, sao lại không thể làm chúa một vùng, để tính chuyện khởi nghiệp
riêng.
Túc Tông sợ chuyện tranh giành, mới xuống chiếu sai sứ bãi chức bắt ngay
về Thục, Lý Lân không chịu, quyết chí phản nghịch, tự xưng hoàng đế, ý
muốn chiêu nạp các hiền tài, để cho dân chúng trông vào. Nghe tin Lý
Bạch lui về ẩn ở Lưu Sơn, cách Giang Lăng không xa, sai sứ mời đến. Lý
Bạch chối từ không đến. Lý Lân bèn sai người rình sẵn, chờ Lý Bạch ra