đáng". Mãi tới khi An Lộc Sơn phản nghịch, Tây Kinh thất thủ, thì bỗng
thấy có một người đàn bà, tuổi khoảng ngoài ba mươi, trang điểm rất sơ sài,
cưỡi một con lừa trắng, ruổi nhanh tới cổng am. Già này đang đi dạo trong
sân, thấy khách đến có vẻ lạ kỳ, vội chạy ra giúp khách xuống lừa. Khách
vừa chạm đất, con lừa bỗng bay lên trời, khoảng lưng trời hình như biến
thành một con chim, bay về phía tây. Già hoảng hốt, hỏi khách là ai. Khách
không chịu nói rõ lai lịch, chỉ đáp: "Thiếp họ Giang, là người của họ Lý,
nhân bởi Tây Kinh bị giặc chiếm, mấy lần suýt chết. May gặp một tiên nữ
đến cứu, lấy một con lừa trắng cho thiếp cưỡi, rồi bảo thiếp nhắm mắt lại,
đừng để ý xung quanh. Thấy như người bay lên không chẳng bao lâu rơi
xuống, đây chẳng hiểu là đâu. Chỉ nghe tiên nữ dặn rằng: nơi này có thể
yên thân. Nay đã đến đây, chẳng hiểu thật giả ra sao nữa!". Già này luôn
nhớ lời dặn của Tiên sư La Công Viễn, nghĩ rằng người đàn bà này không
phải người thường, nên giữ lại cho ở trong nhà riêng phía sau đó. Không hề
cho ai người ngoài biết cả, còn người trong amthì giấu hẳn, chẳng kể về
chuyện con lừa trắng. Người này từ ngày ở nhà riêng đó, cũng chẳng bao
giờ ra ngoài. Già từ đó đóng chặt cửa am, không có việc gì thì chẳng bao
giờ mở. Chẳng ngờ mấy ngày sau, lại thấy có một người đàn bà còn trẻ đẹp,
diện mạo rất đẹp, gõ cửa vào xin ở nhờ. Người đàn bà này vốn là họ hàng
Đạt Hề Tuân tiết độ sứ Hà Nam, tiểu tự Doanh Doanh, xưa nay vẫn ở Tây
Kinh, đã từng lấy chồng, cũng bởi chồng mới chết ở xa, cha mẹ lại đều chết
cả, đành phải nương nhờ Đạt Hề Tuân, theo tới nhiệm sở. Không ngờ Đạt
Hề Tuân chẳng chút nghĩa khí ra hàng giặc. Doanh Doanh biết ngay tai họa
sẽ đến, liền quyết chí bỏ nhà xuất gia, nghe tin am này u tĩnh, thanh khiết,
xin với Đạt Hề Tuân tới đây. Già này vẫn nhớ lời La Công Viễn tiên sư, có
những hai người đàn bà đến trốn tránh, liền cho Doanh Doanh ở lại cùng
với người đàn bà họ Giang kia ở trong ba gian vắng vẻ vừa rồi, cả hai đóng
cửa ngồi nhàn, thức ăn đồ uống đều từ cửa sổ mà đưa vào. Hai tháng trước
đây, La Công Viễn tiên sư cùng với một đạo hữu nữa, tên gọi là Diệp Pháp
Thiện tôn sư, có dạo qua mấy gian nhà này. Họ Giang từ lâu có biết tiếng
hai tôn sư tài đạo khác thường, liền cùng Doanh Doanh mở cửa bái yết.
Diệp tôn sư liền ngửa mặt lên trời làm phép, lấy ngay xuống một cành hoa