- Tôi hiểu. Với nhà buôn lớn thì chọn một cái kimono không đáng gì
lắm... Không chừng bác sửa soạn gả chồng cho cô nhà chăng?
- Chú moi đâu ra chuyện ấy?! - Takichiro bỗng dưng thấy ngường
ngượng.
Ở các xưởng Nhixidgin nơi người ta làm bằng máy dệt tay, khá hiếm khi
kỹ xảo dệt được cha truyền con nối tới ba thế hệ. Nghề dệt tay ở mức độ
nào đấy là một nghệ thuật. Nên nếu người cha có là thợ dệt cự phách thì
điều đó cũng hoàn toàn không có nghĩa con trai ông ta sẽ thành một thợ
giỏi như thế. Cho dù anh ta không chây lười vì thỏa mãn với vinh quang
nơi tài năng cha mình, mà gắng nắm cho được các bí quyết tay nghề đi nữa
cũng vậy thôi. Thường là thế này: người ta dạy trẻ con guồng sợi từ bốn,
năm tuổi. Đến mười, mười hai tuổi nó đã làm chủ được máy dệt và tự lực
thực hiện các đơn đặt hàng không phức tạp lắm. Do đó, một khi người chủ
xưởng có đông con thì đấy là một bảo đảm cho sự phát đạt. Làm công việc
guồng sợi có cả những phụ nữ đã nhiều tuổi, sáu mươi hay đến bảy mươi.
Và thông thường có thể thấy trong các xưởng bà và cháu gái ngồi guồng
sợi với nhau.
Nhà Xoxuke chỉ có một người guồng sợi, đấy là bà vợ hoàn toàn không
còn trẻ trung gì nữa của ông. Bà làm việc không kịp duỗi lưng, suót từ sáng
đến tối và dần dà, đâm ngày một trầm lặng hơn.
Xoxuke có ba người con trai. Người nào cũng dệt thắt lưng bằng loại
máy dệt cao takabata.
Chủ xưởng có ba máy được coi là phong lưu, song có những xưởng chỉ
có một máy, có những thợ dệt phải đi thuê máy.
Tay nghề cự phách của Hideo, mà như Xoxuke đã thừa nhận anh vượt
cha về phương diện này, thì cả giới chủ xưởng sản xuất lẫn các nhà buôn
lớn đều biết.
*