bị thiếp ngủ mê, không thể thức tỉnh? Có phải Eguchi đã đến ngôi nhà này
đê tìm cho ra, tìm đến mức điểm tận cùng của nỗi ghê sợ tuổi già?
Người đàn bà đã nói về các khách hàng mụ có thể tin cậy. Hầu như ai tới
đây đều có thể tin cậy được mà. Người đàn ông kể cho Eguchi về ngôi nhà
này đã quá già, già đến độ không còn là đàn ông nữa. Lão ta có lẽ nghĩ rằng
Eguchi cũng đã rơi vào tình trạng suy nhược cùng cực như lão. Mụ đàn bà
ở ngôi nhà này chắc đã quen chung đụng với đám khách hàng già cả nên đã
nhìn Eguchi một cách không ngờ vực và cũng không tỏ ra thương hại. Ông
biết mình chưa phải loại sức tàn lực tận nên chưa phải là một khách hàng
đáng tin cậy. Nhưng ông có thể chọn mình làm một người đáng tin cậy, tùy
tình cảm của ông vào một lúc nào đó, tùy khung cảnh, và tùy người đẹp. Sự
ghê sợ tuổi già đè nặng con người ông. Ông biết mình đang tiến gần cái
hoàn cảnh ảm đạm, buồn thảm của những khách hàng già nua khác. Nội cái
việc ông mò tới đây cũng đã nói lên rõ điều này. Và như thế ông không có
ý định vi phạm các ràng buộc thê thảm, các hạn chế xấu xí mà người ta áp
đặt lên đám khách lụm khụm. Thực tình ông không muốn vượt qua các hạn
chế đó, và ông sẽ không để mình làm thế trong thực tế. Tuy có thể gọi là
một câu lạc bộ nhưng số lượng người già làm hội viên rất ít. Eguchi đến
đây không phải để tố cáo các tội lỗi hay xoi mói các hành vi bí mật của câu
lạc bộ này. Óc tò mò nơi ông chẳng mạnh mẽ gì vì một nỗi buồn rầu chán
ngắt của tuổi già đã xâm chiếm cõi lòng ông.
“Vài cụ khách thố lộ ngủ qua đêm ở đây mang đến cho họ những giấc
mộng đẹp”, mụ đàn bà nói vào một lúc nào đó. “Vài người lại nhớ đến thời
trai trẻ”.
Eguchi đã không cười gượng được vào lúc đó. Ông đưa cả hai tay chống
lên bàn để đứng dậy rồi bước về phía cánh cửa làm bằng gỗ thông bá
hương.
“À ra thế!”
Những tấm màn nhung màu đỏ thẫm. Màu đỏ trông thẫm hơn trong cái
ánh sáng lờ mờ. Như thể có một vừng sáng mỏng lơ lửng trước các màn,