thầm và khốc liệt bên trong của những giọt lệ đá. Xứ tuyết là ngọn lửa tình
cháy trong băng tuyết. Ngàn cánh hạc là ngọn lửa tình xuyên hai thế hệ,
thiêu rụi nghệ thuật trà đã năm trăm năm tuổi. Tiếng núi là ngọn lửa diêm
sơn chôn sâu trong lòng đất những khát vọng âm ỷ của một ông già. Và
những Người đẹp ngủ là những đức Phật Quan Âm, xoa dịu những ngọn
lửa đớn đau thống khổ thiêu đốt bên trong những tâm hồn gần đất xa trời.
Thế giới Kawabata là thế giới mà người đàn bà là ngọn lửa từ bi cứu rỗi.
Lửa và tuyết
Lửa và tuyết là hai yếu tố chính trong Xứ tuyết. Lửa cấu tạo nên tình
yêu, thiêu đốt ba nhân vật: Shimamura, Komako và Yôko. Tuyết làm nền
cho xứ mộng. Xứ tuyết lộ ra dưới "chân trời trắng" đẩy lùi bóng đêm trong
đường hầm, ảnh ảo của một vùng đất có thật: đường hầm Shimizu (cách
Tokyo 175 cây số về phía Bắc) nằm trên tuyến xe lửa Jôetsu ngày trước nối
liền Tokyo với Niigata. Người đi, từ kinh thành Tokyo, chốn thị tứ ấm áp
phía nam bên bờ Thái Bình Dương qua 11 cây số đường hầm, đến vùng
tuyết trắng giá băng trên bờ biển Nhật Bản. Người đi, trốn Tokyo để đến xứ
tuyết, trốn cuộc đời thực để tìm đến cuộc sống mộng ảo phù du.
Xứ tuyết thoạt tiên được Kawabata cho in từng đoạn, trên nhiều báo khác
nhau, từ 1935 đến 1947. Trong vòng 13 năm, từ 1935 đến 1948, các
chương được ông viết đi viết lại nhiều lần. Giữa bản đầu, in năm 1937, và
bản 1948, có một khác biệt sâu xa: ấn bản đầu chưa có đoạn đám cháy trên
núi tuyết. Rất có thể, sau 11 năm kinh nghiệm sống và viết, nhà văn đã tìm
thấy lửa như một kết cấu luân hồi: lửa sinh ra tình yêu và lửa cũng có khả
năng hủy diệt, trở thành dứt điểm của tình yêu.
Kawabata dành 13 năm để hoàn tất một cuốn truyện 250 trang. Tác phẩm
như một bức họa đen trắng đệm nhạc: nổi bật trên nền trắng của tuyết, của
sáp mặt kỹ nữ geisha, là sắc đen trong màu tóc Komako, trong xiêm áo của
nàng, là tiếng đàn shamisen réo rắt. Nếu trong truyện thật ngắn, Kawabata