kiện để yên cho sức mạnh ấy cuốn đi, theo đúng sở nguyện của Komako.
Nàng làm gì chàng cũng được.
Kỳ nhỉ? Một kỹ nữ miền núi, một cô gái chưa tới hai mươi tuổi mà tại
sao lại tài tình đến thế! Căn phòng hai người đang ngồi không lớn lắm, vậy
mà sao nghe tiếng đàn như cao kỳ cất lên cho một cử tọa đại trào? Tất cả
đều bị mê hoặc bởi chất thơ miền núi. Shimamura rơi vào mộng lúc nào
không biết. Komako tiếp tục lâm râm theo một điệu, khi khoan khi nhặt,
khi đào sâu từng nốt, khi lướt thoát trên những âm giai mà lúc đầu xem ra
có vẻ tẻ nhạt; nhưng dần dần, chính nàng dường như củng bị yêu thuật lôi
cuốn đi, hân hoan trong say sưa kỳ diệu. Rồi tiếng hát vút lên lôi cuốn
Shimamura trong trạng thái quay cuồng đến chóng mặt. Nào biết âm nhạc
có thể xô đẩy mình tới đâu, chàng cố cưỡng lại, đầu gối lên tay, làm ra vẻ
xa cách, ơ hờ. Khi bài ca chấm dứt, lấy lại được bình tĩnh, chàng thầm nghĩ
"nàng yêu ta, người đàn bà này yêu ta" (trang 474).
Tiếng đàn Komako, trong như tiếng hạc bay qua, đục như tiếng suối mới
sa nửa vời, tiếng khoan như gió thoảng ngoài, tiếng mau sầm sập như trời
đổ mưa, như tiếng đàn Kiều, là tiếng định mệnh của những tàn phai không
sao cưỡng lại được. Và sự gặp gỡ giữa hai tiếng đàn cũng là sự gặp gỡ giữa
hai tâm hồn phương Đông, Nguyễn Du - Kawabata ở tuyệt đỉnh của nghệ
thuật.
Trường canh thứ ba mở ra với ngọn lửa.
Gương và tuyết là hai yếu tố ngoại hình tác động, lửa là kiến trúc nội tâm
của tình yêu. Trong trường canh ba này, lửa chiếm trọn khán đài, lửa choán
cả nội tâm lẫn ngoại cảnh. Gương vẫn phản chiếu thực tại, khi làm nhoè đi,
khi rọi sáng thêm những khúc mắc của tình yêu. Tuyết là nước trong thể
đặc biệt, không lỏng mà cũng chưa đặc. Tuyết ở địa vị trung gian, trắng
ngần băng lạnh, dung hòa nhiệt độ những thiêu đốt, làm sáng những đòi
hỏi, giảm tính cực đoan trong tình yêu tuyệt đối.
Khi Shimamura trở lại xứ tuyết mùa thu năm sau. Nồng độ tình yêu đồng
biến với nồng độ xa cách, giận hờn, ghen tuông, sóng gió. Tình yêu đã đến