đỉnh và ở đỉnh chỉ còn hư không. Đám cháy tất yếu phải xảy ra, hoả hoạn
phải bùng lên đốt hết: cháy nhà kho chứa kén: kho tơ. Cháy kho tơ. Mọi chi
tiết, từ kén đến tơ, đều mang ý nghĩa tinh vi, nguyên thủy. Kawabata trình
bày màn cuối bi tráng huy hoàng: Lửa hồng đốt tơ trên tuyết trắng, khốc
liệt như đám cháy trong lòng những kẻ đang yêu. Ai đốt kho tơ? Yôko chết
trong hỏa hoạn. Tai nạn hay tự tử? Yôko đem bí mật về cõi bên kia.
Komako mang xác Yôko như gánh thập tự, gánh "tội yêu" của chính mình.
Shimamura nhìn lửa, soi mình, không tìm ra một đầu mối nào hết, chỉ cảm
thấy sự xa lìa sẽ phải đến. Những đớn đau, khúc mắc trong tim hai người
đàn bà, đối với chàng vĩnh viễn vẫn chỉ là bí mật. Bí mật phụ nữ. Bí mật
Nhật Bản. Trên trời, dòng ngân hà vẫn trôi như không từng có chuyện gì
xảy ra.
Ngàn cánh hạc
Trong tác phẩm Trà sư (Le Maȋtre de thé) của Inoué, lịch sử trà đạo ở
Nhật từ thế kỷ 16 tới ngày nay, mở đầu với vị trà sư Rikyò, chủ môn trường
phái nghệ thuật uống trà thanh đạm, được viết thành một tác phẩm văn học
giá trị, phơi bày mặt trái của lễ nghi: trà đạo hơn bốn thế kỷ, bị thế quyền
phong kiến sử dụng như một mụ mối trong chợ chính trị. Những buổi thiết
trà thường là mặt tiền che đậy những cuộc thương lượng bên trong, và
những vị trà sư khả kính chỉ là những quân cờ dưới trướng các lãnh chúa.
Những cái chết bí mật của các thủ lãnh trường phái trà đạo, trong suốt bốn
thế kỷ, nằm trong những bí mật của nghệ thuật trà trị, và họ chết đi, mang
cả bí mật của trà trị sang thế giới bên kia.
Ngàn cánh hạc không viết về trà đạo, không viết về trà trị, mà dựng trên
bình phong đạo trà để viết về tình yêu, và tình yêu trong tác phẩm của
Kawabata luôn luôn là tình yêu tuyệt đối.
Ngàn cánh hạc có hình thức gần như cổ điển với những tình tiết éo le.
Nhưng tác giả đã xóa chất éo le bằng cấu trúc đứt đoạn, bằng giọng văn ơ