của một người, cũng không ai có quyền phán đoán người đi tìm cái chết"
(trang 756).
Nhưng chết chưa hẳn là hết, mà nhiều khi chỉ là khởi hành. Kawabata rõ
hơn ai hết về cái chết của nhà văn sau mỗi tác phẩm: Ôta đã hoàn tất "tác
phẩm", đã đi trọn cuộc tình xuyên thế hệ: nàng đã tìm đến tình yêu bên kia
cõi sống, và kinh nghiệm có một không hai này của nàng để lại cho trần thế
một ý nghĩa mới về đam mê, về nhục dục.
Tiếng núi
So với Xứ tuyết và Ngàn cánh hạc, Tiếng núi mở ra phong cách mới thứ
ba trong nghệ thuật Kawabata. Tiếng núi trần trụi là tiếng cuộc sống hàng
ngày, không có cốt truyện, không tình tiết, không cả bút pháp hư ảo như
trong Xứ tuyết, cũng không có những hình tượng phi thường, tạc vào ký ức
người đọc như trong Ngàn cánh hạc. Tiếng núi là tiếng bên trong, tiếng ở
dưới, tiếng thầm rạn vỡ, không thể nghe thấy trong đời sống hàng ngày. Ở
đây là tiếng rạn của một cá nhân, một gia đình, như tất cả mọi gia đình bình
thường khác, trong cuộc sống tầm thường gần như vô vị, "không có gì để
viết" như Samuel Beckett đã từng thốt lên.
Như hầu hết những tiểu thuyết khác của Kawabata, Tiếng núi cô đọng
trong hơn 200 trang, và cũng được đăng từng mảng trên báo từ năm 1949.
Đến 1954, sửa chữa lại và in thành truyện. Tính chất fragment, từng mảng,
trở thành yếu tố cấu trúc chính trong tác phẩm và cũng là thủ pháp lắp ghép
của tiểu thuyết hiện đại, với chủ đích tiến gần đến sự thực hơn.
Tiếng núi, tuy được viết cùng thời với Ngàn cánh hạc, nhưng với một
quan niệm khác Ngàn cánh hạc. Nếu Xứ tuyết và Ngàn cánh hạc chiếu vào
những chân dung phụ nữ, đặt trong bối cảnh xã hội Nhật Bản xa rời truyền
thống, là những tiếng xưa gọi về hiện tại; thì Sơn âm, là tiếng núi vọng lên
từ lòng đất, không màng quá khứ hiện tại, bỏ cả bối cảnh xã hội, để chỉ giữ