Bên cạnh những oan trái đó, nỗi chết chờ chực cận kề: những người bạn
già, lần lượt ra đi. Toriyama mới chết, nghe đâu vì bị vợ bỏ đói. Vốn sợ vợ,
Toriyama, tan sở không dám về nhà, đi lang thang đến khuya cả nhà đi ngủ
mới lần về. Mizuta chết bất thình lình trên tay một cô gái điếm, trong khách
sạn của một trạm suối nước nóng. Nhưng có lẽ lạ lùng nhất là cái chết của
Kitamoto, người từ chối già, người nhổ dần dần những sợi tóc bạc trên đầu,
cho đến khi không còn sợi nào. Rồi tóc cũng chịu thua: những sợi mới mọc
trở thành đen mướt. Nhưng mặc dù đầu đã xanh trở lại, Kitamoto cũng
không thoát được.
"Ông ta nhổ từng sợi một, rất cẩn thận để khỏi nhổ nhầm phải sợi đen,
mà cũng không đau. Nhưng khi nhổ nhiều tóc như thế, thì da đầu bị căng,
trở nên nhạy cảm, tuy chẳng chảy máu, nhưng sọ bong da, đỏ lên, sưng
phồng. Sau cùng người ta nhốt vào nhà thương điên. Vài sợi tóc còn lại,
Kitamoto nhổ nốt trong nhà thương" (trích dịch bản tiếng Pháp, Le
grondement de la montagne, do Suematsu Hisashi dịch, trong tuyển tập
Kawabata, Albin Michel, 2002, trang 902).
Tiếng Núi là đường đời, là cõi tạm, cõi trọ để đi về cõi chết. Con đường
đầy những âm thanh vang lên trong tịch lặng của tâm hồn. Mỗi người mang
một niết bàn hay địa ngục của riêng mình; là tiếng cô đơn buồn bã của một
toàn thể chất đầy như núi những nhỏ nhặt tầm thường trong cuộc sống hàng
ngày, mà chúng ta đã trải qua, mà chúng ta đã mục kích, mà chúng ta đã
dẵm lên: những sự kiện vu vơ, tầm thường không tên tuổi. Kawabata thảo
ra hết, liệt kê hết, mô tả hết những giờ khắc trôi qua: trong mỗi giây phút là
một cái chết âm thầm, một cái chết tịch lặng như sơn âm. Nhưng trên
đường đến nghĩa địa, ông không quên những tiếng hạnh phúc, mà nếu
chúng ta không chịu khó lắng nghe, không chịu khó chụp bắt lấy chúng, thì
trần ai sẽ thật sự chỉ là bể khổ.
Người đẹp ngủ