Ra đến cửa, Kawabata đi đến chỗ cái giá có treo nhiều chiếc gậy, xem
xét tỉ mỉ từng cái như muốn cân nhắc lựa chọn, cuối cùng cầm lấy một cái
đưa cho tôi:
- Ngài hãy giữ lấy chiếc gậy này để kỉ niệm cuộc viếng thăm chùa hôm
nay.
- Gậy chỉ cần cho đến khi nào người ta chưa ngã. - Tôi cảm ơn ông và
nói đùa.
- Còn dù thì cho đến khi nào người ta chưa bị ướt. - Kawabata đối đáp rất
nhanh, rồi cho tôi biết mưa ở Kamakura cũng tạnh bất ngờ như khi nó đổ
xuống.
Chúng tôi bước ra sân.
Đêm sáng trăng.
Dưới chân núi, nơi bắt đầu những bậc thang đá dẫn lên chùa, một vị sư
đã chờ sẵn để dẫn đường cho chúng tôi.
... Chùa Zuisenzi hòa nhập với phong cảnh xung quanh tới mức tưởng
như nó mọc lên từ chính thiên nhiên, và bây giờ khó có thể hình dung
phong cảnh nơi đây mà thiếu công trình kiến trúc này.
Những phiến đá xếp nối tiếp nhau chạy đến sát chân chùa, những cây
thông cao vút thẳng tắp xiên qua những đường viền vàng ánh của mái chùa
- tất cả hòa vào nhau thành một chỉnh thể tuyệt vời của thiên nhiên.
Chúng tôi tiến sâu vào chùa, đi qua nhiều gian phòng rộng, trên tường
treo các bức tranh đơn sắc, các bức họa Nhật cùng các câu châm ngôn và
lời dạy của Phật. Ngoài ra không có gì hết, không bàn ghế, không trang trí
bàn thờ, tượng Phật. Cái đơn giản đến cao độ làm tăng thêm cảm giác về
khoảng không trống rỗng, nhưng không phải cái khoảng trông theo cách
hiểu trần tục.
Thiền luận giải thích cái khoảng trống này như một sự trọn vẹn đầy đủ
nhất, sự giải phóng khỏi những giới hạn trong hình thức tồn tại hiện hữu