Trong những tác phẩm ưu tú của các tác giả cổ điển Nhật, Kawabata luôn
bị hấp dẫn bởi những tư tưởng cao thượng, bỏi quan niệm về cái đẹp như
yếu tố quan trọng nhất của văn hóa và sức mạnh đạo đức, có ảnh hưởng vô
cùng to lớn đến quan hệ con người và thế giới tinh thần của mỗi cá nhân.
Tư tưởng về cái đẹp bên trong, về giá trị vĩnh hằng của nó trong đời sống
con người và trong nghệ thuật luôn luôn quyến rũ nhà văn, ám ảnh đầu óc
ông, ăn sâu vào tiềm thức ông trong suốt con đường sáng tạo.
Kawabata có biệt tài gắn liền những khái niệm mĩ học và triết học chung,
những nét đặc sắc và độc đáo của văn hóa Nhật với những tìm tòi sáng tạo
riêng của mình. Tất cả những phát hiện nghệ thuật có được trong các tác
phẩm của ông như những yếu tố mang tính cá nhân độc đáo, bất ngờ, đều
xuất phát từ những ngọn nguồn xa xưa của văn học Nhật, từ cội nguồn văn
hóa dân tộc.
Chính những đặc điểm này trong sáng tác của Kawabata đã được nhấn
mạnh trong khi đánh giá và trao tặng ông giải thưởng Nobel văn học 1968:
"Vì nghệ thuật viết văn tuyệt vời và tình cảm lớn lao, thể hiện được bản
chất của cách tư duy Nhật Bản".
Nhưng công lao vĩ đại của Kawabata còn ở chỗ trong khi trình bày cái
sáng tạo dân tộc của người Nhật, ông đã gợi được ở độc giả nước ngoài
mối quan tâm và tình cảm sâu sắc, đồng thời vạch cho thấy cái đặc điểm
chung toàn nhân loại có thể làm cơ sở vững chắc nhất để các dân tộc
phương Đông và phương Tây kính trọng lẫn nhau.
Tư duy nghệ thuật của Kawabata mang tính lịch sử. Tính lịch sử ấy thể
hiện ở sự gắn bó mật thiết của ông với cái truyền thông văn hóa lâu đời của
Nhật và ở chỗ sáng tác của ông nảy sinh từ những nét thực tiễn và những
xung đột của đời sống dân tộc, chứ không phải là sự bắt chước hoặc sao
chép lại từ các tác phẩm cổ điển hoặc các tác phẩm phương Tây hiện đại.
Nhà nghệ sĩ là con đẻ của thời đại mình. Nghệ thuật chân chính bao giờ
cũng phải mang tính hiện đại. Nghệ thuật không mang tính hiện đại, không
phù hợp với các điều kiện hiện đại thì không thể coi là nghệ thuật được.