Kawabata trong khi miêu tả với tình yêu và cảm hứng lớn lao môi trường
rất quen thuộc của mình, đã thấm sâu vào tâm trạng nhân vật, tạo nên nhiều
hình tượng và tính cách đa dạng. Với hiểu biết tâm lí sâu sắc, đôi khi ông
còn vạch cho ta thấy với vẻ hơi giễu cợt những mối quan hệ gia đình rắc
rối, không che giấu những quyền lợi nhỏ hẹp và tầm thường của chúng.
Vũ nữ Izu (1925) là truyện ngắn đầu tiên của Kawabata cho ta thấy tác
giả là một nhà nghệ sĩ có óc quan sát tinh tế.
Song tác phẩm mang lại tiếng tăm thực sự cho nhà văn là cuốn Xứ tuyết.
Được giới văn học Nhật thừa nhận là hiện tượng văn xuôi trữ tình quan
trọng nhất lúc bấy giờ. Xứ tuyết lôi cuốn người đọc bởi những nét vô cùng
đặc sắc của thế giới con người và thiên nhiên, được miêu tả bằng những
màu sắc đầy chất thơ rất điển hình cho các tác phẩm của Kawabata. Dựa
trên những tư liệu tươi mới, nhà văn mở ra cho người đọc cả một thế giới
những ham muốn, hi vọng và xung đột trước kia chưa ai mô tả bao giờ.
Xứ tuyết được Kawabata xây dựng trong nhiều năm. Bắt tay viết từ năm
1934, mãi đến năm 1947 nó mới được viết xong. Thiên truyện đúng ra là
gồm nhiều phần, được viết vào nhiều thời kỳ khác nhau.
Nội dung chính của tác phẩm là câu chuyện về Simamura, một người đàn
ông đứng tuổi, lớn lên và sông ở Tokyo, đáp xe lửa lên miền Bắc nước
Nhật để thưởng ngoạn phong cảnh của vùng tuyết. Trước mắt độc giả hiện
lên phong cảnh giàu chất trữ tình của miền Bắc nước Nhật với không gian
bao la phủ đầy tuyết, tràn ngập ánh nắng mặt trời, một khung cảnh nên thơ
và quyến rũ lòng người.
Trên đường đời Simamura gặp một kỹ nữ tên là Komako yêu chàng sâu
sắc, bị dày vò bởi hi vọng vào tình yêu mà không hề nghĩ đến chuyện
Simamura có thể chia sẻ tình yêu với mình hay không.
Nhiều trang truyện vang lên như tiếng kêu xé lòng về tình yêu và nỗi cô
đơn.