Kawabata đã từng nói về Xứ tuyết rằng nó có thể bị thất bại ở bất cứ
điểm nào. Lúc đầu ông có ý định viết không dài hơn một truyện ngắn,
nhưng có một số tư liệu còn thừa ra, ông đã kết hợp nó trong tác phẩm ông
viết cho một tạp chí khác, tạp chí đã cho hạn chót nộp bài muộn hơn nơi
tiếp nhận truyện đầu tiên của ông. Chương này dần kéo theo chương khác.
Ông nhớ lại: “Ai đó hẳn đã nói rằng chỉ trong khi tôi đang viết phần đầu
tiên thì những tài liệu dành cho những phần tiếp theo mới bắt đầu hình
thành. Điều này có nghĩa là trong khi tôi đang viết trạng đầu tiên, thì tư liệu
cho phần cuối vẫn chưa thực sự hiển hiện". Thậm chí sau khi đã cộng thêm
một chương kết thúc vào năm 1947, ông vẫn cảm thấy cần viết thêm nữa về
mối quan hệ của Komako và Yoko, nhưng ông quyết định nên để tiểu
thuyết dừng lại ở điểm này.
Đoạn văn mở đầu của Xứ tuyết có lẽ là đoạn văn nổi tiếng nhất của bất
kì tác phẩm văn học hiện đại Nhật Bản nào: “Khi đoàn tàu hiện ra từ đường
hầm dài ở đường biên tỉnh, họ đã đến xứ tuyết. Độ đậm của bóng đêm đã
ngả sang màu trắng. Đoàn tàu dừng lại ở một ga xép.”
Đi qua đường hầm dài, như nhiều nhà phê bình đã chỉ ra, có nghĩa là
Shimamura đang đi vào một thế giới khác. Không chỉ anh đang đi vào xứ
tuyết, mà anh còn bỏ lại phía sau người vợ cùng gia đình ở Tokyo và những
mối ràng buộc của anh với thế giới. Trong thế giới khác này mọi thứ đều
sạch sẽ hơn cái thế giới mà anh đã bỏ lại. Giọng thiếu nữ Yoko gọi người
trưởng ga đượm vẻ trong trẻo kì diệu trong bầu không gian lạnh giá, dù
những từ ngữ của cô là hoàn toàn bình thường. Không lâu trước đó, khi
Shimamura lau vu vơ một mảng kính cửa sổ toa tàu bị sương phủ, anh đã
nhìn thấy đôi mắt trong sáng tuyệt đẹp của Yoko như trong một tấm gương.
Anh cũng đã quan sát trong tấm gương này cái cách cô nhẹ nhàng chăm sóc
người đàn ông trẻ bị ốm đang nằm trên ghế bên cạnh. Tấm gương, như một
vật Kawabata thường xuyên sử dụng để biểu thị sự quan sát vô tư;
Shimamura ở đoạn mở đầu, cũng như ở phần kết của tiểu thuyết, luôn ở
trong trạng thái rời bỏ thế giới xung quanh.