“May mà mình lại chưa chặt cái cây thông mục này, – ông nghe văng
vẳng bên tai. – Phải chăng con chim đại bàng dừng chân đúng tại đây,
chính vì trên ngọn đồi có một cây thông khô héo cao lớn kia? Không có cây
thông, có lẽ cả đời mình sẽ chẳng bao giờ, dù chỉ trong phút giây ngắn
ngủi, được trông thấy chim đại bàng ngay bên cửa sổ nhà mình”.
“May mà mình chưa chặt cây thông, – Miyacava cứ nhắc lại mãi. – Vậy
mà có lần mình đã định chặt nó rồi đấy”.
Đã có lúc Miyacava đau lòng ngắm cây thông héo đứng cao vút sau nhà
ông, coi đó như một dấu hiệu, như thần giữ nhà cho ông.
Cây thông trông rõ ngay từ nhà ga, nơi có tuyến đường sắt chạy qua.
Miyacava và người nhà của ông có thói quen nhìn cây thông mỗi khi lên
tàu hoặc khi đi xa trở về thị trấn. Người ta nhìn cây thông quen mắt, và
tưởng như không còn để ý đến nó nữa.
Nhưng cũng có khi cây thông làm người ta xúc động, nó gợi lên biết bao
tình cảm làm lòng người ấm lại. Chỉ cần bước khỏi toa xuống ga và đưa
mắt nhìn cây thông, trong lòng tự nhiên thấy yên tĩnh, tim lắng xuống nhẹ
nhàng vì một nỗi buồn khó tả. Miyacava không thể nhìn đoán được cây
thông bao nhiêu tuổi. Khi đã bốn mươi chín tuổi, ông đến ở nhà này, mà
cách đây mấy năm ông vừa tròn bảy mươi. Nhưng suốt thời gian ấy, cây
thông hình như không thay đổi. Quả thật, nó bao nhiêu tuổi nhỉ? Có lẽ ít ra
cũng không dưới một trăm năm mươi tuổi.
Cả cây sồi, cả rặng duối mọc bên hàng rào che khuất mắt những kẻ tò
mò, cả cây xiren Ấn Độ vươn cành rộng trong vườn là những thứ cây trồng
đã lâu, chúng cũng không thể nào so được với cây thông trên đồi. Vì sao
trên đỉnh đồi, ngoài cây thông, không còn có cây nào mọc nữa nhỉ? Hay
những cây cùng tuổi với nó đã mục, đổ hết cả, và nay chỉ còn nó đứng đó
thôi?
Chắc cây thông ít ra cũng phải già gấp đôi Miyacava, nếu không hơn. Và
ngày mới đến ở đây, Miyacava tưởng rằng cây thông thế nào cũng sẽ sống