“Cứ để cô vẽ thử. Tranh Phật thường rất đẹp. Và cô sẽ đặt tên tranh là Cô
Họa Sĩ Trừu Tượng.”
“Cô trêu em.”
“Cô không giỡn đâu. Cô sẽ khởi sự sau khi hoàn tất Đồi Chè.”
Otoko nhìn lên vách, tầm mắt dừng lại nơi chân dung mẹ treo phía trên
những phác họa đồn điền Uji. Trong tranh, mẹ nàng rất trẻ và đẹp, còn trẻ
hơn chính nàng bây giờ. Có lẽ trẻ như tuổi ba mươi mốt ba mươi hai của
nàng khi đó. Nàng đã tự vẽ cái trẻ trung của mình khi vẽ mẹ, hay là bà mẹ
đã trẻ lại qua cây cọ của con gái. Khi Keiko thấy tranh lần đầu, cô gái hỏi,
“Cô tự vẽ mình phải không?”
Otoko đã suy nghĩ về chuyện này. Nàng rất giống mẹ. Có thể vì nhớ mẹ
mà sự giống nhau của hai mẹ con hiện ra trong tranh. Sự thể là mới đầu
nàng chép lại một tấm ảnh cũ, nhưng các tấm phác họa không có thần.
Nàng bỏ ảnh sang bên, và mẹ nàng hiện ra trong trí nhớ như lúc còn sống
và ngồi ngay trước mặt làm mẫu cho nàng. Otoko phác họa lại, hết tấm này
đến tấm khác, lòng tràn trề cảm xúc. Nhiều lúc nàng phải ngưng tay, mắt
mờ vì nhòa lệ. Tranh mẹ đang trở thành tranh của chính nàng.
Bức tranh hoàn tất bây giờ treo phía trên những tấm phác họa đồi chè.
Otoko đốt hết những bản còn lại. Mỗi khi nhìn tranh, bao giờ nàng cũng
thoáng buồn. Bức tranh như thở theo nàng. Bao nhiêu công lao vẽ mẹ đã
đưa chính nàng vào tranh.
Về sau Otoko không vẽ chân dung nữa. Thỉnh thoảng nàng vẽ người,
nhưng chỉ là một vài nhân vật đặt trong phong cảnh. Otoko chưa bao giờ
nghĩ nàng sẽ vẽ bức “Em Bé Lên Trời” như một chân dung.
Vậy mà tối nay vì Keiko nài nỉ, nàng bỗng cảm thấy muốn vẽ chân dung
lại. Nhớ lại ý muốn vẽ con và những mẫu tranh các bậc thánh thủa sơ sinh
hay niên thiếu, nàng định vẽ Keiko theo kiểu tranh Phật. Mẹ nàng, con
nàng, và Keiko là ba người nàng yêu quý nhất đời. Dù họ khác nhau, nàng
nên vẽ cả ba.