“Vậy sao?”
“Vì tương quan trọng cho chuyện bếp núc, nên phải nấu cho đúng.”
“Có thể canh tương của anh hôm nay không ngon, vì ngài tương không
được em cung kính đủ.”
Fumiko lại trêu chồng. Oki nguyên quán miền tây, nên không bao giờ
thoải mái với ngôn ngữ lễ phép của Tokyo; Fumiko ngược lại sinh trưởng ở
đây nên nhiều khi giúp chồng chuyện này. Vậy mà Oki không phải bao giờ
cũng nghe lời vợ. Nhiều khi bất đồng ý kiến đến chỗ cãi nhau, Oki chê
tiếng Tokyo chẳng qua là một thổ âm tầm thường không truyền thống. Ông
hay nói ở Kyoto và Osaka, ngôn ngữ trong chuyện đàm tiếu cũng lễ phép,
khác hẳn ở Tokyo. Mọi vật từ nhà cửa, sông núi, ngay cả rau cá cũng được
diễn tả bằng những từ trang trọng.
Fumiko thường bỏ cuộc. Bà nói:
“Như vậy thì anh nên hỏi thằng Taichiro. Dù sao, con nó cũng là một học
giả.”
“Nó biết gì chuyện này. Nó có thể biết về văn học, nhưng chưa bao giờ
nó học về cách nói năng cho lịch sự lễ phép. Em hãy nghe ngôn ngữ cẩu
thả của nó với bè bạn. Ngay cả những bài khảo cứu, nó cũng không viết nổi
bằng thứ tiếng Nhật lịch sự.”
Thật ra Oki không thích hỏi ý kiến con, hay để con giảng cho mình điều
gì. Ông thích hỏi vợ hơn. Nhưng dù là người Tokyo, vợ ông nhiều khi cũng
không có câu trả lời dứt khoát cho ông. Sáng nay, ông lại than phiền ngôn
ngữ ngày nay suy đồi:
“Ngày xưa học giả biết chữ Hán, văn xuôi của họ chuẩn và chững chạc.”
Fumiko cãi:
“Nhưng nói thường, ai lại kiểu cách như vậy. Những từ mới xuất hiện
mỗi ngày như chuột con. Không biết chúng ăn gì mà ngộ nghĩnh như vậy.
Chữ nghĩa thay đổi liền liền, đến chóng mặt.”