Hôm nay như mọi hôm, sau khi thức giấc nàng lấy tay xoa trán, rồi vuốt
cổ, gáy, và dưới cánh tay. Da nàng rịn mồ hôi, hơi ẩm từ chân lông toát ra
ướt áo ngủ. Keiko hình như thích mùi mồ hôi cũng như làn da trơn ướt của
nàng khi mồ hôi ra, và nhiều khi đòi nàng cởi hết áo xống. Còn Otoko,
nàng rất ghét mùi mồ hôi của chính mình.
Đêm qua, Keiko mười hai rưỡi mới về đến nhà. Có vẻ không tự nhiên, cô
gái tránh mắt nàng. Chiếc quạt che bớt ánh đèn trần, Otoko nằm ngắm
những tấm phác họa khuôn mặt hài nhi ghim trên vách. Mải ngắm tranh,
nàng thờ ơ hỏi Keiko, “Em về muộn nhỉ...”
Otoko không thấy đứa con thiếu tháng của mình, nhưng được mẹ cho
hay là tóc con đen. Khi nàng hỏi thêm về con, mẹ nàng nói, “Nó bé tí mà
xinh lắm, hệt như con ngày xưa.” Otoko nghĩ mẹ nói vậy chỉ để chiều nàng.
Gần đây nàng đã thấy ảnh trẻ sơ sinh, và trẻ con khi mới sanh xem ra đứa
nào cũng xấu. Có ảnh đứa bé đang lọt lòng mẹ, hay cuống rốn còn dính với
mẹ làm nàng thấy gớm.
Nàng không có ý niệm gì về khuôn mặt con. Nàng chỉ thấy nó trong
tưởng tượng và cất giấu hình ảnh con trong tim. Nàng biết đứa bé nàng vẽ
trong “Em bé lên trời” không giống con, mà nàng cũng không muốn vẽ một
bức chân dung hiện thực. Tranh nàng sẽ là ấn tượng của nỗi mất mát, của
tang tóc, và của tình thương cho đứa con nàng chưa bao giờ thấy mặt. Nàng
đã nâng niu ý định từ lâu nên vẽ hình đứa con đã chết trở thành một ước
mong mòn mỏi. Và bức tranh còn tượng trưng cho chính nàng đã qua được
những năm tháng đau thương, cũng như cho mối tình buồn mà đẹp nàng
dành cho Oki.
Otoko vẫn chưa vẽ được khuôn mặt đứa bé cho thật vừa ý. Khuôn mặt
thần tiên của những ngọc nữ hay của chúa hài đồng thường quá rõ ràng sắc
nét, trông có khi giả tạo, thậm chí như mặt người lớn vẽ nhỏ lại. Thay vì
như vậy, nàng muốn mặt con nhạt mờ như sương khói, như một hồn ma
không thuộc thế giới này mà cũng chưa sang hẳn thế giới bên kia. Khuôn
mặt sẽ dịu hiền, sẽ mát mắt, nhưng lại gợi ra một mặt hồ ăm ắp u buồn.