Còn nữa, nàng không muốn tranh trừu tượng. Và nàng sẽ vẽ làm sao đây
cái thân hình còm cõi của hài nhi thiếu tháng. Nàng sẽ vẽ như thế nào nền
tranh và những vật phụ. Và Otoko lại tìm xem những cuốn ảnh chụp tranh
của Redon và Chagall, nhưng những tác phẩm nổi danh ấy xa lạ quá để gợi
hứng cho nàng.
Mấy bức tranh Nhật lại hiện ra trong trí Otoko, với bồ tát Kobo nằm mơ
thấy được ngồi trên tòa sen tám cánh hầu chuyện đức Phật. Trong bức cổ
nhất, nét mặt bồ tát trông trong sáng và khắc khổ. Những tấm về sau mềm
mại và mỹ miều hơn. Còn những tấm mới nhất, bồ tát lại đẹp như một cô
gái nhỏ.
Đêm trước Hội Rằm khi Keiko xin nàng vẽ chân dung, Otoko đã tưởng
vì nghĩ tới con mà nàng định phỏng theo tranh Kobo thủa hài đồng để vẽ cô
gái theo lối cổ điển loại Đức Mẹ Đồng Trinh. Nhưng về sau, nàng bắt đầu
hồ nghi nàng thích tranh tôn giáo chẳng qua là muốn tự vẽ chân dung.
Phải chăng nàng mong tìm nơi Bồ tát Kobo cũng như Đức Mẹ đồng trinh
cái trong trắng nàng khao khát cho bản thân. Mối hoài nghi như lưỡi gươm
nàng không muốn mà tự tay đâm vào ngực mình. Nàng không chủ tâm ấn
lưỡi gươm sâu hơn và sau cùng rút nó ra, nhưng vết thương để lại sẹo làm
nàng thỉnh thoảng còn đau.
Otoko không định chép lại nguyên bản tranh bồ tát Kobo, nhưng hình
ảnh vẫn ẩn náu trong tâm nàng. Ngay cả bức “Em bé lên trời” và “Đức mẹ
đồng trinh” cũng gợi lên ý nàng muốn trong sạch hóa, hay đúng hơn thánh
thiện hóa tình yêu của nàng cho con, và cho Keiko.
Keiko hôm mới thấy tranh mẹ nàng đã tưởng tranh nàng tự vẽ. Sau hôm
ấy, thấy tranh mẹ, nàng lại nghĩ đến Keiko ngắm tranh và khen nàng đẹp.
Thương nhớ mẹ mà vẽ, nhưng tranh có nét tự thương yêu chính mình. Mẹ
con giống nhau đã vậy, nhưng thật ra có phần nàng đã tự vẽ mình.
Otoko vẫn yêu Oki, con nàng, và mẹ nàng, nhưng nàng không biết
những tình yêu ấy có thay đổi hay không kể từ khi nàng không còn gần gũi