tầu, có người nào đó đã nắm ống quần tôi kéo lại, làm tôi chỉ còn mỗi cái
quần đùi khi lên tới tầng trên. Trời mưa không nặng hạt lắm, nhưng gió biển
thổi phần phật trong không gian mờ tối. Tôi cúi xuống ôm đứa con đang run
cằm cặp. Nhà tôi ưu tư bảo:
- Tầu sắp đắm mất, anh ạ!
Tôi đảo mắt nhìn quanh sau sáu ngày bảy đêm chui trong bóng tối dưới
hầm. Chỉ một phút sau, tôi nhận ra ngay là mình sắp chết! Vợ tôi nói đúng.
Là bởi vì, khi ở dưới hầm, tôi cứ tưởng tầu đang chạy. Hóa ra tầu bị bỏ neo
đậu tại chỗ suốt cả đêm rồi, mặc cho gió mưa và sóng dữ cuối năm vùi dập.
Tuy cùng ở trên tầu, nhưng những tin tức bên trên không được thông báo
cho người dưới hầm biết, sợ gây cảnh náo loạn, dẵm đạp lên nhau. Bởi vậy,
tôi hoàn toàn không biết gì cả, cho đến bây giờ leo lên mới thấy kinh hoàng,
Tôi nhìn lại phía buồng máy. Một cảnh tượng hãi hùng và thê lương: không
có tài công, không có người phụ máy. Chiếc tầu không người lái cứ bập
bềnh nghiêng ngửa theo từng đợt sóng khổng lồ đưa vào, đẩy ra, phó mặc
sinh mạng mấy trăm người cho đại dương. Với sức sóng như thế này, tôi
biết chắc tầu sắp vơ. Đàn bà con nít, người đứng người ngồi lố nhố, quên cả
cái ướt lạnh, nhớn nhác hỏi nhau, không biết phải làm gì trong hoàn cảnh
tuyệt vọng này. Bà xã tôi bảo:
- Tài công bỏ tầu từ nửa đêm rồi!
Bấy giờ tôi mới hiểu đầu đuôi câu chuyện. Đêm qua, khi thuyền chúng
tôi vào còn cách bờ Mã Lai khoảng nửa cây số, thì có tầu cảnh sát Mã Lai
ra đuổi. Rồi họ dựng mấy cây đại liên và đèn pha trên bờ bắn ra xối xa.
Mười mấy người tài công cùng với thân nhân chủ ghe đeo phao nhảy xuống
bơi vào, nói là để điều đình rồi sẽ ra đưa tầu vô. Nhưng rồi họ đi luôn,
không ai trở lại! Người ngoài khơi cứ đợi. Người đã lên bờ thì bỏ mặc. Đàn
bà con nít trên boong không ai biết lái tầu. Hơn 100 người ngồi dưới hầm
thì tưởng tầu vẫn đang chạy bình thường! Tôi biết mình sắp chết, nhưng cố
làm ra vẻ bình tĩnh bảo con tôi: