Bé ngồi canh lửa kháp rượu sau tấm vách, làu bàu đối thoại với
bóng nó:
- Ngon sao không thấy người nào nhào vô cắn miếng?
Ngoài kia lại hỏi Út bỏ bùa gì trong rượu? chắc lại nắm tay bà
ngoại rồi, Bé cười khan. Không có bùa. Chỉ một ít rễ cây chơn Nhơn
bà ngoại nó đem về từ Trảng cò, phơi ba sương chín nắng, sao vàng
rồi mài mịn rải vào những thùng ủ. Chúng khiến những người mấy
mươi phút trước còn trịnh trọng ghi chép, trịnh trọng nói những lời
trịnh trọng bỗng trở lại mềm yếu, tầm thường.
Bé lớn lên trong gian nhà ăn, đã thấy người ta uống rượu của bà
ngoại nó và ca hát, và khóc lóc và nấc cục và ngủ gục. Có người vốn
nói nhiều, uống nửa chừng thì ríu lưỡi. Có người điềm đạm bệ vệ
chợt hồ hởi chửi thề. Có người suồng sã cởi trần như anh bán thịt
ngoài chợ. Và cái anh xã đoàn thường đỏ mặt khi Bé gọi là ba Việt
bỗng điềm nhiên ôm nó nhấc bổng lên, nói cho ba Việt ôm xíu coi,
nhớ quá.
Bé nhớ cái ôm nồng ấm làm nó nghẹt thở hồi bảy tuổi đó, thấy
lạ tại sao đến giờ vẫn nghẹt thở, mỗi khi Việt kêu, “Bé ơi, lấy miếng
cơm cháy cho anh...”.
Bé không gọi anh kia là ba Việt nữa. Nó đã mười sáu tuổi. Nó
nghỉ học khi chưa xong lớp bảy, sau một bữa ra quán ăn hàng, nghe
lỏm thầy giáo dục công dân ba hoa kể chuyện thời trai trẻ. Có đoạn
vầy, một tối thầy đi họp Hưng Mỹ về thì gặp chiếc xuồng trôi, trên
đó một đứa con gái đang ngủ không biết trời đất là gì hết, mà thầy
cũng say không biết trời đất là gì hết...
Kháp rượu thì không cần phải học cao, Bé nói khi bà ngoại tới
đón nó ở phòng hội đồng nhà trường về, sau khi ném ly đá bào vào
ông thầy giáo dục công dân làm áo thầy loang đỏ như máu. Tri thức
chỉ tới mắt cá chân. Bé cho rằng chữ nghĩa thay đổi được con người
nhưng rượu còn quyền năng hơn, nó biến đổi được người đã sành
chữ nghĩa.
Bé thanh thản nối nghiệp bà ngoại, gắn bó với những kháp rượu
như một định mệnh của mình, của một đứa trẻ sinh ra bởi cơn say.