lo sợ khẩn cấp tư giấy đi các tỉnh lân cận, một mặt dâng sớ về triều
đình cầu viện...”
... Giờ Dần. Mồng tám, tháng ba, Nhâm Ngọ - Tự đức năm thứ
35. Đức ông - Tổng đốc Hoàng Diệu lên vọng lâu cửa Bắc, thấy dưới
hào nước một búp bạch liên trái mùa.
Giờ Mão. Đạn đại bác từ sông cái bắn vào liên tiếp. Đức ông biết
cái giờ khắc đó đã tới. Nhưng sao lại sớm thế này? Tối hậu thư vừa
từ tàu Phú Lãng tới. Án sát Tôn Thất Bá vừa xin đi thương lượng.
Sao nhanh vậy? Viện binh từ Phú Xuân vẫn bặt tăm. Mà nào chắc đã
có viện binh!? Hai niên, ba lần tấu sớ, Thánh thượng không những
gạt đi lại còn quở nặng. Lần nào đắng miệng lần đó.
Thớt voi hống một tràng như kèn trận. Khói ngùn ngụt. Lửa bắt
đầu loang. Dân phường buôn, phường nghề chạy tán loạn. Lính báo
có mấy trăm đinh thợ xin xung ngũ để cùng quyết tử giữ thành.
Gom cùng với lính thì trận này liệu có là trận uống máu không?
Mạng người, xót lắm! Nghe chừng quân Phú Lãng cũng quyết chiếm
thành bằng mọi giá rồi đây. Chim chóc chưa lót xong ổ mà sài thú đã
dậy lòng tham. Biên ải thì nhà Thanh rập rình cắn trộm. Phú Lãng
trước đã cho tàu mang mộc thập mượn cớ giao thương, truyền giáo
gửi chân sói, sau là tàu chở súng pháo đại bác. Nước Nam này chắc
không bao giờ hết hẳn binh đao, cứ dọn chiến trường vừa xong, an
lành ít lâu, lơ là một chút là nguy biến đã hiện hình. Kêu mãi mà
Hoàng thượng nào có nghe. Kỵ húy thì rõ lắm. Lưỡi uốn như bện
chão mà chẳng xong được một câu muốn tấu. Vậy bao nhiêu lời của
trung thần tới được tai người? Người đang mải làm thơ, soạn tuồng,
mải vui vầy bên mẫu hậu Từ Dũ. Hiếu đễ thái quá, họa thi mẫn cảm
thái quá cũng làm nhược cái chí khí của bậc quân vương. Mà xưa
nay, triều vua nào nhược thì nếu không bị ngoại xâm cũng gặp
chính biến.
Người lại ưa xây lăng, mê mẩn tô vẽ vẻ riêng cho sánh với các
bậc tiền nhân. Nghe bọn Nội các ỏn hót thủ hòa, nhận về cái yên
bình giả tạo. Hỡi ôi! có phải bề tôi nào xây lăng cho chúa cũng vì
chúa cả đâu. Cái lăng của chúa cũng là cái lăng cho niềm tin của bày