bó rau muống mùa đông héo quắt sáu ngàn đồng, cân thịt bò trăm
ngàn đồng, lạng thịt lợn ba chỉ năm ngàn đồng..., vớ được hai chữ
bình thường đã là hạnh phúc lắm.
Bình thường! Thời buổi này đầy bất trắc, bất ổn, ra đường sợ
tầu xe đâm, đến cơ quan nhìn cái bản mặt nào cũng thấy tối tăm, đầy
toan tính, về nhà thấy nước da con cái không bợt bạt, tóc tai không
bù xù, mồm miệng không ngáp vặt, chảy nước dãi... là mừng. Mong
ước giản dị được hai chữ bình thường coi như cuộc sống hạnh phúc,
yên ổn.
Nhưng, hai chữ bình thường từ miệng vợ con tôi có bình
thường không? Hững hờ, vô tình hay vô cảm?
Tôi hỏi con bé giúp việc: “cháu thấy nhà chú thế nào?” “cháu
chịu thôi. Nhà chú chẳng ai nói với ai. À quên, có nói có hỏi nhưng ít
lắm, có ngày không quá ba câu”.
“Cháu có nói vống lên không?”
“Thật đấy. Hôm ấy mà nói đến câu thứ tư thì không chết người
cũng động đất núi lửa. Chỉ có chú là hay chuyện thôi”.
Tôi buồn lặng. Con bé này nói đến thế, mà vợ con tôi cũng
không phản ứng. Như nhà khác thì con ô sin này đã bị đuổi ra
đường. Ba mẹ con vẫn lẳng lặng ăn. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ
xa xôi ở chân trời góc bể nào đó.
Tôi gác đũa nhìn vợ. Xa lạ quá. Nàng như không còn là vợ tôi
nữa. Ngày trước, Noel tôi đã từng đưa nàng lang thang trên những
con phố đêm đến nhà thờ xứ đạo Hà đông, nhà thờ Nam đồng, nhà
thờ cửa Bắc, nhà thờ Lớn Hà Nội..., cũng vài lần về quê đi xuống tận
nhà thờ đá Phát Diệm. Lãng mạn, chân thành và nỗi niềm tâm sự
muộn phiền sâu lắng nhất là đêm Giáng sinh ở Sa Pa mù sương.
Những ngọn đèn đường màu vàng ệch và nến thắp sáng lung linh
trong nhà thờ đã giảm bớt cái lạnh lẽo của phố khuya. Những ngọn
núi hình răng cưa và thửa ruộng bậc thang chìm vào đêm đông lạnh
lẽo. Sương mù như tấm voan mỏng nhẹ trắng đục trùm lên nhà thờ
đá cổ Sa Pa rêu phong, tôi vẫn nhận ra màu xám bạc và vẻ trầm tư