Thánh lễ linh thiêng, trang trọng và thành kính. Giọng hát
chậm, dìu dặt, da diết ngợi ca đức chúa Giê-su hiến thân cứu thế.
Hình ảnh này, giọng hát này dội vào cái đầu và trái tim non nớt của
thằng con trai đang tuổi lớn, mãi mãi đi theo tôi suốt cuộc đời, để rồi
thổn thức và nuối tiếc mãi...
Nửa đêm chúng tôi về nhà Tê-rê-xa Mùi. Bữa ăn Réveillon được
dọn ra. Sau này, tôi mới biết Bữa ăn nửa đêm Giáng sinh ở phương
Tây gồm ba thứ đồng hành là: Thủy (cá chép, con hàu); Không khí
(gà tây, ngỗng); Mộc (thịt lợn). Còn Bữa ăn nửa đêm Giáng sinh của
người dân xóm đạo nghèo dạo ấy chỉ có bánh bột lọc làm bằng bột
giong riềng và cá chép nấu cháo. Mẹ Tê-rê-xa Mùi là một con chiên
ngoan đạo, nhân hậu, hiền lành, nhìn lũ trẻ háu đói ăn uống ồn ào,
bà mỉm cười âu yếm.
Nấn ná, dùng dằng quá nửa đêm mà chẳng đứa nào muốn về...
* * *
Vợ tôi gọi điện, nàng bảo: “Giáng sinh ở quê thế nào, anh?” Tôi
bảo: “Vui. Đầm ấm”. “còn em, cái nơi em đi ấy?” “Như Giáng sinh
những năm trước. Không náo nức. Không vui. Không buồn”.
Có nghĩa là nàng cảm thấy suông, bình bình. Nàng không hỏi
tôi bao giờ về. Và cũng không nói lúc nào về với tôi. Nàng thờ ơ.
Nàng không hề biết tôi đang vui hay buồn, đang đắng cay hay ngọt
ngào. Con tôi không biết tôi có nhu cầu chia sẻ, và chúng cũng chẳng
cần chia sẻ với ai.
Nhà tôi, bấn bíu vì ai. Ví dụ: Sáng ăn uống tùy nghi di tản, vợ
phát cho mỗi người hai mươi ngàn đồng. Buổi ăn trưa công nghiệp
năm mươi ngàn đồng ăn vội vàng ở tiệm, ở quán theo sở thích từng
người. Bữa cơm tối gia đình mới tập trung. Tập trung nhưng mà
không sum họp. Ăn uống lầm lì, im lặng, ít khi nói chuyện. Tôi nghĩ,
cứ thế này thì trầm uất cả nhà. Tôi gợi chuyện, hỏi vợ:
“Em đang nghĩ gì?” “Em đang nghĩ, nước mình mỗi ngày tai
nạn giao thông chết ba ba người. Có phải quân số bằng một trung
đội không anh?”