lên nhau trong cái xắc-cốt của ông. Toàn những trọng sự, gấp gáp,
không đừng được. Và thảy đều hối thúc một cuộc họp.
Là một tập thể mạnh và làm việc có nền nếp nên mặc dù nhiều
việc nhưng cuộc họp thường vụ đảng ủy xã diễn ra khá chóng vánh.
Ông cốc báo cáo vắn tắt tình hình và yêu cầu của lãnh đạo huyện rồi
đề xuất biện pháp giải quyết, ông phó chủ tịch phụ trách sản xuất
góp thêm đôi lời, ông bí thư kết luận, phân công trách nhiệm cho
từng ủy viên. Ông cốc phát biểu có ý lảng một việc, không nhọc
công tốn sức nhưng rất nhọc lòng nên cuộc họp phải thảo luận thêm
dăm phút, ông có to tiếng đôi câu. Thế rồi biểu quyết. Ông, đồng chí
phó bí thư kiêm chủ tịch xã uể oải giơ tay sau cùng.
Tan họp, ông bí thư quàng vai bạn chia sẻ: “Anh cốc, đúng là lại
làm khó cho anh quá. Nhưng mà... Anh thấy đấy, việc đó... Có ai
kinh nghiệm và uy tín bằng anh”.
Ông cốc nặng nề rời văn phòng. Ở ngoài đồng giờ thì chẳng ai
nhìn thấy ông chủ tịch xã được nữa nhưng đã có người trong làng.
Vâng, làng nghe ông bước. Từ sau hàng bạch đàn nhô ra một mái tóc
bờm xơm cháy nắng.
- Ơ... Ông cọp! chúng mày ơi! Ông cọp thọt! Thoắt, đường làng
đầy ắp trẻ con. Chúng túa ra vây lấy ông, đứa níu áo, đứa kéo tay,
đứa giành lấy chiếc xắc-cốt. Tất cả vòi nghe chuyện. Chúng mê
những câu chuyện thời chống Pháp gắn liền với biệt danh “cọp xám
đồng chiêm” của ông. Chơi với chúng ông như được sống lại tuổi
thơ xa lắc của mình, và mấy đứa thỉnh thoảng lại làm ríu rít không
gian côi cút của vợ chồng ông.
Người chủ tịch xã kéo bọn trẻ vào quán nước dưới gốc đa. Như
lệ thường, ông mua cho mỗi đứa một chiếc kẹo. Rồi thơm vào má bé
gái đang lặc lè khoác chiếc xắc-cốt, ông nựng nó một câu rõ ngọt,
đoạn chỉ xuống đoạn chân giả. Thế là chúng hiểu, đừng quấy rầy
nữa, người kể chuyện ngày xưa quê mình đánh giặc lại đau. Tất
nhiên bọn trẻ nghĩ ông đau chân. Nhưng chút ê ẩm đó thấm tháp chi
với nỗi đau biết trước nỗi đau tột cùng của những người khác.