- Lại chuyện ấy ư, mình? Ông cúi đầu im lặng.
- Sao mình không giẫy ra! Lần nào cũng hứng lấy để mang
tiếng...
- Giời ạ, tôi thích quyền rơm vạ đá? - Ông dằn ly nước xuống
bàn – Mà... tai tiếng gì?
- Người ta đồn ầm cả làng cả xã lên – bà phóng đại đôi chút –
chỉ mình ông không biết.
- Đồn cái gì? Tai tiếng gì? - Ông cau có.
- Lão cọp thọt chuyên gieo rắc điềm ác – Giọng bà chua xót –
Gieo gì gặt nấy. Người ta nói thế đấy.
Thì ra thế! Bây giờ thì ông hiểu vì sao người phụ nữ đi chợ
chiều muốn tránh gặp ông. Ờ, từ cái buổi chiều cũng tai tái như
chiều nay, ông đến cùng chiếc xắc-cốt trong đó có những tờ giấy cỡ
bằng cuốn vở học trò. Sau đó là lễ truy điệu. Chị ấy mất chồng từ
bấy, năm năm rồi, năm năm hay sáu năm? cũng như chỉ thoáng thấy
bóng ông, cánh cửa nhà nọ đã vội vàng khép lại. Ông biến thành
luồng sát khí, kẻ gieo tai họa cho bà con làng xóm từ bao giờ?
- Tôi mà có quyền, ông ngửng lên – Tôi giải tán quách cái đảng
ủy xã này đi. Toàn những kẻ đớn hèn biếng nhác, chỉ tài đùn đẩy
công việc cho người khác. Ông biết quá lời, vợ ông cũng biết thế và
bà im lặng vẻ đồng tình. Ông tiếp tục xả nỗi bực dọc:
- Cuộc họp vừa rồi tôi gắt om lên. Tôi nhận chỉ đạo khoản đắp
đê, tổ chức đại đội dân quân trực bắn máy bay, mình biết đấy,
những công việc nặng nề. Có lọt tai thiên hạ đâu. Họ ỷ vào bàn chân
của tôi. “Ai nỡ để anh lội đồng”. Gớm! cứ làm như quan tâm đến
nhau lắm! Thế là cái ách cũ lại mắc vào cổ tôi, một con bò què... Thôi
thì đành cày cho trót khóa này.
Vợ ông ngẫm nghĩ một lát rồi nhẹ nhàng:
- Mình ạ, các bác ấy cũng chả sai đâu. Thôi mình cố cho hết
khóa này.
Ông cúi đầu thở nặng nhọc. Một lần nữa người đàn bà muộn
con đặt ly nước vào tay chồng rồi lùi ra. Những lúc như thế này ông
ấy muốn ngồi một mình. Ly nước giải nhiệt thậm chí như một gáo