Thằng bé có mái tóc sém nắng sực nhớ lời bà dặn, lội tắt qua
vườn, xộc vào bếp.
- Bà ơi, ông cốc đi rồi. Bà nó cười, từ ngày bố nó đi bộ đội bà ít
cười lắm. Giờ thì chẳng hiểu sao bà lại cười, nhưng bà nó cười thật
ngắn, như thở phào một tiếng.
- Bà ơi, thế nào là điềm ác? Người ta bảo ông cốc, ông cọp thọt
ý, chuyên đi gieo rắc điềm ác. Họ còn nói...
- Hỗn nào! - Bà lão nghiêm mặt – Họ nói nhảm đấy. Không
được gọi ông là cọp thọt. Nhớ chưa!
Thằng bé dạ. Bà lão nhìn xéo qua vườn. Ban nãy cháu bà nói
đúng, ông cốc đã rời gốc đa bỏ qua ngõ nhà bà.
Cọt kẹt... Cọt kẹt... Tiếng bước chân của ông chủ tịch xã đấy. Đã
mười lăm năm nay từ trại thương binh về, ông cốc góp vào mớ âm
thanh hỗn tạp của làng tiếng bước chân dị biệt của mình. Dị biệt, là
nói những ngày đầu, sau nghe mãi đâm quen; có người còn bảo biết
được tâm tính ông qua mỗi bước chân. Giờ đây dưới sắc trời tái xám
màu da người hấp hối vào độ lắm mưa nhiều bão, ông bước đi, tiếng
cọt kẹt sắc lạnh chuyển dịch dọc đường làng.
Thoáng bóng một người đàn bà ngoặt vào ngõ hẻm phía trước.
Nhưng ông kịp nhận ra ai. Đi chợ chiều, cớ sao chị phải vòng lối ấy!
Bên kia, một cánh cửa hướng ra đường vừa se sẽ khép lại. Đã có
ngôi nhà từ chối ông như vậy. Lúc bấy giờ chàng trinh sát trẻ tuổi
phải dựa vào bóng tối, nương theo bờ giậu bìm bìm phóng xuống
đầm thoát ra đồng lúa ven sông, để lại phía chân tre tiếng chó sủa,
tiếng lính dõng vặc nhau và mấy loạt súng chọc vu vơ vào đêm. Bấy
giờ ông len lỏi giữa vùng tề nắm địch, người ta sợ liên lụy mà tránh
ông, còn bây giờ...
Nghe tiếng chồng từ xa về, vợ ông pha sẵn một bình trà. Mọi u
uẩn, bức xúc tích tụ dồn nén trong ông mà bà nhận thấy qua mỗi
bước chân chắc hẳn dịu bớt. Vô ích. Đầu óc ông vẫn chẳng sáng láng
thêm chút nào. Thì ra ông ấy khát. Bà đặt vào tay chồng ly nước bột
sắn, đoạn chăm chắm nhìn ông và cái xắc-cốt.
Một lúc sau bà hỏi: