NGƯỜI ĐÀN BÀ CỦA ĐÊM
Nguyễn Mỹ Nữ
Đ
ã gần hai tuần nay, tôi ở đây. Tôi lang thang dọc bờ sông
nhìn những cái ghe chở dừa, ngắm rặng bần trên nước, trú mưa nơi
vòm cổng một khách sạn rất hiện đại... và tự hỏi, chị giờ nơi đâu?
Người phụ nữ mà do thời cuộc đã dạt xô tới phố biển ngoài kia của
tôi. Người đàn bà Nam Bộ hiếm hoi mà tôi có thiện cảm trong muôn
vàn những người đàn bà con gái nói tiếng miền trong. Vì sao ư? Vì
hầu hết trong số họ, nhởn nhơ làm thứ công việc mà tôi không thể
nào chấp nhận được. Đó là khoảng thời gian Mỹ quân sự, dân sự rồi
là lính đại Hàn tràn ngập thành phố của chúng tôi kéo theo sự hỗn
tạp, xô bồ và quá nhiều tệ nạn.
Nhà tôi ngày ấy bán tạp hóa ở phía trước và có dãy phòng cho
thuê ở phía sau, cả dưới tầng trệt lẫn trên lầu. Chồng chị thuê một
phòng của nhà. Hôm đến anh đã chẳng trả treo giá cả gì hết mà còn
xuề xòa tâm sự ngay, dù mới gặp lần đầu: “Má biết hôn? có cái này
đỡ lắm! đặng hồi rảnh về thành phố có chỗ ăn nghỉ với lại... Con sắp
có vợ rồi. Lo mướn nhà trước đặng dẫn ra ở nữa chứ!”. Và, cái người
anh dẫn ra sau đúng bốn tháng mướn phòng của nhà tôi không ai
khác, chính là chị. Chỉ có bốn tháng, lại đi về không thường xuyên,
nhưng anh Phước đã khiến cho mọi người trong gia đình tôi quý
mến bởi tính anh quá hiền và rất tội. Anh là sĩ quan thám báo thuộc
Trung đoàn 41, Sư đoàn 22 bộ binh. Anh có trồng một cái răng vàng
ở hàm dưới và chị em tôi hay hát mấy câu này để ghẹo: “Cười lên đi
cho răng vàng sáng chói. Hát lên đi để cho đời le lói...”.
Bữa chị ra, anh lấy chiếc Jeep lên phi trường đón. Tới nhà, vừa
mở cửa xe đã rống giọng kêu inh ỏi: “Mấy em ơi! Ra mà đón chị bay
nè. Má ơi! Vợ con nè!...”. Mọi người đổ ra, dòm ngó săm soi khiến
chị lúng túng. Thấy thương sao! chị chẳng có gì nổi bật. Không cao