cả. Chỉ còn lại lác đác mấy anh vô công rồi nghề ở làng Triệu và ở các làng
lân cận. Cố nhiên vợ con những tay nhà giàu thì còn đó cả, họ ngồi trong
các thuyền mui đen chẳng để ý gì đến xem hát, phần lớn đến đây chỉ là để
ăn quà bánh, nhá hạt dưa. Cho nên quả có thể nói là không có ai thật. Trong
thâm tâm, tôi cũng chẳng thiết gì xem nhào lộn. Thiết xem là xem Tinh rắn,
do một kép mình quấn vải trắng, hai tay để trên đầu cầm một cái đầu rắn y
như là một cái gậy. Thứ đến là vai cọp nhảy, do một người mặc áo vàng
đóng. Nhưng chờ mãi chẳng thấy ai ra. Vai đào vào thì một kép già đóng
vai thanh niên ra liền. Tôi đã thấy hơi mỏi. Nhờ Quế Sinh đi mua sữa đậu
nành cho. Quế Sinh đi một lát, trở về nói:
- Không có. Cái ông điếc bán sữa đậu nành cũng về rồi. Thôi, múc
một gáo nước lã uống tạm vậy.
Tôi không uống, cố gắng đứng xem, nhưng không thể nói là đã xem
được những gì, chỉ thấy mặt các vai tuồng dần trở nên kỳ quái, tai, mắt,
mũi dần dần mờ đi trông chẳng rõ nữa. Trong bọn chúng tôi, những anh
nhỏ thì cứ ngáp dài, mấy anh lớn thì nói chuyện riêng. Đến khi có một vai
hề mặc áo đỏ bị trói vào cái cột trên sân khấu để cho một người đeo râu
lốm đốm bạc lấy roi ngựa đánh thì ai nấy tinh thần mới phấn chấn lên, vừa
xem, vừa cười. Tôi cho đó là màn hay nhất đêm hát ấy.
Cuối cùng một vai bà già ra. Tôi vốn sợ cái vai bà già ấy lắm, nhất là
lúc bà ta ngồi xuống mà hát. Lúc đó thấy ai cũng có vẻ cụt hứng cả, mới
biết là mấy anh bạn cũng nghĩ như tôi. Khi mới ra, bà ta còn đi đi lại lại mà
hát, sau thì bà ngồi hẳn xuống cái ghế đặt giữa sân khấu. Tôi ngại quá. Bọn
Song Hỷ thì chửi làu nhàu. Tôi kiên nhẫn chờ. Một hồi lâu, bà ta giơ tay
lên, tưởng là bà ta đã đứng dậy; không ngờ bà ta lại bỏ tay xuống như cũ và
vẫn tiếp tục hát. Trong thuyền chúng tôi anh thì thở dài, anh thì ngáp vặt.
Song Hỷ không chịu đựng được nữa, nói:
- Cái con mụ này thì nó có thể hát suốt đêm đấy! Hay là ta về đi thôi!