nhà được vài hôm là người ta đưa kiệu hoa đến rước đi ngay.
Thím Tư sửng sốt nói:
- Ái chà chà! Cái mụ mẹ chồng!...
- Ấy! Thưa bà, bà quả thật là nhà đại gia nên lời lẽ có khác. Chứ
chúng con, người miền núi, nghèo hèn, như thế có hề gì! Thím ta còn có
một chú em, cũng phải hỏi vợ cho chú ấy chứ! Không gả thím ta đi, thì lấy
tiền đâu mà cưới xin? Bà mẹ chồng thím ta thế mà là người sành sỏi, tháo
vát, khéo tính toán lắm mới đem gả thím ta lên trên ấy đấy. Chứ gả cho
người trong làng thì được bao nhiêu! Có gả về những nơi thâm sơn cùng
cốc, nơi đàn bà con gái ít ai muốn lấy, nên mới được những tám chục quan
tiền! Bây giờ thì đã cưới được vợ cho chú em rồi. Lễ vật chỉ hết có năm
chục quan. Trừ phí tổn này nọ rồi, cũng còn lại được hơn mươi quan. Đấy!
Bà xem, tính toán như thế có khéo không?...
- Thế mà thím ấy cũng chịu theo à?
- Bẩm, có gì mà theo với không theo ạ!... Làm ồn thì ai mà chẳng làm
ồn lên một lúc. Có điều cứ lấy dây thừng trói lại, đẩy vào kiệu hoa, khiêng
về nhà trai, chụp chiếc mũ cưới vào đầu, dắt đi lạy ông bà ông vải, rồi đóng
cửa buồng lại, thế là yên chuyện tất! Nhưng thím Tường Lâm thì khác
người lắm. Nghe nói, lúc bấy giờ, thím ta làm dữ lắm cơ! Ai cũng bảo rằng
bởi vì thím ta có đến ở nhà người có chữ có nghĩa, nên mới kỳ khôi như
thế! Thưa bà, mắt chúng con đã trông thấy nhiều đám cũng bước đi bước
nữa như thế này, có người thì kêu van khóc lóc, có người thì đòi trẫm mình
thắt cổ, có người khiêng về nhà trai rồi vẫn nguây nguẩy không chịu lạy
ông bà ông vải cho, thậm chí có kẻ còn đạp đổ cả cây hoa khi làm lễ động
phòng nữa cơ! Nhưng thím Tường Lâm này thì mới lạ đời. Họ kể chuyện
rằng thím ta suốt dọc đường cứ la hét, chửi bới ầm ĩ lên, lúc về đến Hạ Gia
Úc thì khản tịt cả cổ. Lôi ra khỏi kiệu, hai người đàn ông và cả chú em nữa
ra sức kìm giữ thím ta lại, mà thím ta cũng chẳng chịu lễ bái cho ra trò. Vừa