như trước. Vẫn là bà Vệ đưa thím ta đến. Vẻ mặt từ bi, bà ta nói với thím
Tư liến thoắng:
- Bẩm, người ta thường nói: "Trời mưa nắng không chừng". Cái anh
chồng thím ta sức vóc thế, lại còn trẻ, ai có ngờ ốm một trận thương hàn là
lăn đùng ra chết... ốm đã khỏi rồi, thế mà, chỉ ăn có một bát cơm nguội vào,
là lại trở lại. May mà còn để lại được chút con trai. Thím ta là người siêng
năng: đốn củi, hái chè, nuôi tằm, làm được tất, nên cũng tạm đủ ăn. Ai có
ngờ thằng con trai thím ta lại bị chó sói tha mất! Gần hết mùa xuân rồi đấy,
thế mà chó sói còn lảng vảng về làng!... Ai có ngờ được. Bây giờ thì thím
ta thân một mình trơ trọi. Ông anh chồng đến đòi nhà, đuổi thím ta đi. Thím
ta thực bước đường cùng, chỉ còn cách đến nhờ vả ông bà đây là chỗ thím
ta từng hầu hạ. Được cái là thím ta bây giờ không bị giàng buộc gì nữa. Mà
lại gặp lúc bà đây đang muốn thay người ở, nên con lại đưa thím ta đến.
Con nghĩ, thím ta đã quen đường quen ngõ rồi, thế nào cũng còn hơn kẻ lạ
nước lạ cái nhiều.
Thím Tường Lâm ngước đôi con mắt lờ đờ, nhìn lên nói:
- Con thật là ngu đần quá. Thật đấy, con cứ tưởng chỉ có mùa tuyết
xuống, trong núi không có gì ăn, thú dữ mới mò về làng. Biết đâu là giữa
mùa xuân mà nó cũng ra. Hôm đó, hửng sáng con đã dậy, mở cửa, lấy cái
giỏ con, xúc một giỏ đậu bảo thằng Mao ra ngồi ở chỗ bậc cửa mà bóc đi.
Cháu nó dễ bảo lắm cơ. Con bảo gì là nó nghe nấy. Thế là cháu nó ra ngồi
đấy. Còn con thì ở sau nhà chẻ củi, vo gạo, bỏ gạo vào nồi xong, định luộc
đậu. Con gọi "Mao ơi!", không thấy thưa, chạy ra xem thì thấy đậu vung
vãi ra cả đất, mà chẳng thấy thằng Mao đâu cả. Thường cháu chẳng đi chơi
nhà ai. Đi đâu hỏi, cũng không có. Con nóng ruột quá, nhờ người đi tìm.
Tìm khắp mọi nơi, cho đến chiều, vào núi thì thấy chiếc giày của nó mắc
vào bụi gai. Ai cũng nói: "Thôi hỏng rồi, chắc là bị sói tha đi cũng nên". Đi
vào nữa, quả nhiên thấy thằng bé nằm trong một đống cỏ, ruột gan bị moi
ăn hết, tay còn cầm chặt lấy cái giỏ đậu...