qua kẻ lại giày đạp lên, chuộc cái tội kiếp này cho thím, khỏi phải chết rồi
còn chịu khổ!
Lúc bấy giờ, thím không nói ra làm sao cả, nhưng xem chừng thím
buồn bã khổ sở lắm. Sáng hôm sau, ngủ dậy, hai mắt thím thâm quầng. Ăn
cơm sáng xong, thím đến miếu Thành hoàng ở xóm Tây, xin cúng một cái
bậc cửa. Lúc đầu, ông từ một mực không chịu; đến khi thím sắp phát khóc
lên, ông ta mới miễn cưỡng nhận lời. Cái bậc cửa làm mất mười hai quan
tiền.
Đã lâu không chuyện trò với ai cả, vì câu chuyện thằng Mao người ta
nghe chán tai rồi, nhưng từ hôm thím và u Liễu ngồi nói chuyện với nhau,
hình như tiếng phao đồn ra, nên nhiều người lại thích gợi cho thím nói. Cố
nhiên đầu đề câu chuyện đổi khác, chỉ xoay cái sẹo trên trán thím.
Người này hỏi:
- Thím Lâm, tôi hỏi thím nhé! Sao hồi đó thím lại bằng lòng?
Người khác nhìn cái sẹo của thím, phụ họa theo:
- Hừ? Có uổng không. Đập vỡ đầu mà cũng chẳng đi đến đâu cả!
Nghe giọng nói, thấy vẻ cười của họ, có lẽ thím cũng biết là họ đang
chế giễu mình, cho nên thím cứ nhìn họ trừng trừng, không nói một câu. Về
sau, mặc kệ họ nói gì thì nói, thím cũng không ngoảnh đầu lại. Cả ngày,
thím cứ ngậm tăm âm thầm làm các việc: ra phố, quét nhà, rửa rau, vo gao,
mang trên trán cái sẹo mà mọi người cho là một vết nhơ.
Ở sắp đầy năm, thím mới xin thím Tư đưa cho thím số tiền công dồn
lại bao nhiêu nay, đem đổi được mười hai đồng bạc "chim ưng", rồi xin
phép đi ra xóm Tây. Chỉ trong khoảng thời gian chưa ăn xong một bữa
cơm, thím đã trở về, sắc mặt tươi tắn, con mắt cũng lanh lợi hẳn lên, vui vẻ