nói với thím Tư rằng thím đã cúng một cái bậc cửa vào miếu Thành hoàng
rồi.
Đến hôm giỗ tổ vào tiết đông chí, thím ta làm việc càng hăng. Thấy
thím Tư sửa soạn mâm cỗ xong, rồi cùng với cậu Ngưu khiêng cái bàn ra
để giữa nhà, thì thím thản nhiên đi lấy cốc chén và đũa.
Thím Tư hốt hoảng nói to:
- Thím để đấy thôi, thím Lâm!
Thím thụt tay lại như bị bỏng, mặt xám ngắt. Thím không đi lấy đôi
đèn nến nữa, cứ đứng ngẩn ra đó. Đến khi chú Tư thắp hương, bảo thím đi
chỗ khác, thím mới đi.
Lần này thì thím thay đổi chóng quá. Hôm sau, chẳng những con mắt
thím sâu hoắm xuống, mà tinh thần lại càng tiều tụy. Thím đâm ra nhút
nhát, sợ đêm tối, sợ bóng đen, bất cứ gặp ai, thậm chí gặp chú Tư, cũng cứ
lấm la lấm lét như chuột nhắt ra khỏi hang giữa ban ngày. Hoặc có khi thím
ngồi ngây ra chẳng khác gì pho tượng gỗ. Chưa đầy nửa năm, tóc thím đã
bạc ra, thím không nhớ được cái gì cả, thậm chí quên cả việc đi vo gạo nữa.
- Thím Lâm làm thế nào mà lại như thế? Biết vậy thì hồi đó chả giữ lại
cho xong!
Thím Tư đôi lần đã thốt ra như thế trước mặt thím Tường Lâm, hình
như có ý bảo cho thím biết mà liệu chừng.
Nhưng thím Tường Lâm vẫn cứ như thế, chẳng mong có thể lanh lợi
thêm được chút nào. Thế rồi, chú thím Tư định đuổi thím ra, bảo thím về
với bà Vệ. Khi tôi còn ở Lỗ Trấn, chú thím Tư chỉ mới nói như thế
thôi,nhưng xem tình trạng thím bây giờ, thì biết sau đó họ đuổi thím đi thật.
Còn như ra khỏi nhà chú thím Tư, thím Tường Lâm phải đi ăn xin liền, hay
là về nhà bà Vệ rồi sau mới phải đi ăn xin, thì điều đó tôi không được rõ.