- Mãi về đến Tế Nam mới mua được "nơ" nhung. Cũng không rõ con
bé bị đòn có phải vì thứ "nơ" nhung này hay không, dù sao đây cũng là
"nơ" nhung. Và cũng không rõ con bé thích màu đậm hay màu nhạt nữa, tôi
bèn mua một cái màu đỏ thắm và một cái màu hồng đem về đây.
Thế là trưa hôm nay, ăn cơm xong, tôi đến thăm lão Trường Phú. Chỉ
vì chuyện ấy, tôi phải nấn ná lại một ngày. Nhà lão vẫn ở chỗ cũ, nhưng
trông có vẻ tiêu điều. Tôi nghĩ bụng đó chỉ là cảm tưởng riêng của mình mà
thôi. Đứa con trai và cái Chiêu, đứa con gái thứ hai của lão đứng ở cửa.
Nhớn rồi. Cái Chiêu không giống con chị nó chút nào, xấu như ma lem,
nhưng thấy tôi đi vào thì chạy trốn vào nhà mất. Tôi hỏi thằng bé, biết là
lão Trường Phú đi vắng: "Chị nhớn em đâu?". Nó liền giương mắt nhìn tôi,
vội hỏi tôi tìm có việc gì, lại có vẻ hằm hằm như muốn nhảy xổ tới, cắn
một miếng. Tôi trả lời ấp úng rồi tháo lui, bởi vì bây giờ cái gì tôi cũng
không muốn bỏ qua cho xong chuyện thì thôi.
Anh không biết chứ tôi ngại đến thăm hỏi nhà người ta lắm, ngại hơn
dạo trước nữa, bởi vì mình biết rõ mình đáng ghét lắm, chính mình cũng
không thương được mình nữa huống hồ ai. Đã biết là thế rồi thì đến làm gì
cho người ta phải buồn trong lòng? Nhưng lần này bà cụ tôi đã dặn dò như
thế, không lẽ không làm cho đến nơi đến chốn. Cho nên nghĩ lại, tôi lại đến
cái cửa hàng bán củi ở xế cửa nhà lão Trường Phú. Bà cụ Phát, mẹ ông chủ
hàng, vẫn còn sống, và còn nhận ra tôi, mời tôi vào ngồi chơi. Chào hỏi
mấy câu xong, tôi nói rõ cho bà cụ biết tôi trở về đây và đến tìm lão Trường
Phú để làm gì. Không ngờ, bà cụ thở dài , nói:
- Thương cho cái Thuận bạc phước không được cài cái "nơ" nhung ấy
rồi!
Thế rồi bà cụ kể tường tận cho tôi nghe, nói rằng: "Từ mùa xuân năm
ngoái, thấy con bé người cứ gầy héo đi, nước da cứ vàng ra, về sau bỗng
thường thường ngồi đâu khóc đấy. Hỏi sao khóc, lại không nói. Có khi
khóc suốt đêm, đến nỗi ông Phú cũng phải gắt lên, mắng là lớn rồi, chưa có