Đến cuối thu, làng này có bệnh lỵ. Tôi cũng sợ lây, định trở về thành.
Chợt nghe nói bà nội anh Liên Thủ cũng bị bệnh, và vì tuổi già, nên đâm ra
nặng lắm, mà quanh vùng thì lại không có lấy một ông thầy thuốc nào.
Gia đình anh Liên Thù, gọi gia đình là gọi thế thôi, kỳ thực chỉ có mỗi
bà cụ. Bà cụ có thuê một người gái ở, và sống đơn giản lắm. Anh mồ côi cả
cha lẫn mẹ từ khi còn tấm bé, chính bà cụ nuôi nấng anh thành người. Nghe
nói trước kia bà cụ cực khổ lắm. Nhưng bây giờ thì thong thả rồi. Hiềm một
điều vì anh không có vợ con gì, nên trong nhà vắng vẻ lắm. Có lẽ đó cũng
là điều người ta cho anh là khác thường.
Hàn Thạch Sơn cách thành, theo đường bộ thì một trăm dặm, mà
đường thủy chỉ bảy mươi dặm, nhưng cho người đi gọi anh về, khứ hồi ít
nhất cũng phải bốn ngày. Ở làng núi hẻo lánh, những việc như thế này được
xem là những "tin tức" quan trọng, ai cũng cần phải dò hỏi cho biết. Ngày
hôm sau, đã đồn ầm lên rằng bệnh bà cụ nặng lắm, và đã cho người đi gọi
anh Liên Thù về. Nhưng đến canh tư thì bà cụ tắt thở. Câu nói cuối cùng
của bà cụ là: Làm sao không để cho tôi trông mặt thằng Liên Thù một tí!"
Ông trưởng tộc, bà con bên nội, bà con bên ngoại, cả những người rỗi
việc nữa, đến chật một nhà. Họ tính rằng anh Liên Thù có về đến nơi thì
cũng đã nhập liệm rồi. Cỗ hậu sự cũng như áo quần, bà cụ đã sắm sẵn, nên
không cần phải lo liệu gì hết. Đối với họ, vấn đề quan trọng nhất là nên đối
phó với cái ông "cháu thừa trọng" (1)ấy như thế nào đây, bởi vì họ đoán
trước rằng, tất cả các lễ nghi đình đám, nhất định thế nào anh cũng thay đổi
hết cho mà xem. Sau khi bàn bạc, họ quyết định đại khái sẽ bắt buộc anh
phải theo cho ba điều chính: một là mặc tang phục trắng, hai là lạy hẳn hoi,
ba là mời thầy chùa, thầy phù thủy về làm chay. Nói tóm lại là phải làm y
như tục lệ cũ.
-----